Một câu niệm Phật lọt vào tai

Dứt nghiệp oan khiên, dứt đọa đày

Đức phật Di Đà đài sen ngự

Tiếp người mê lộ thoát trần ai

(Pháp Cú)

Trong cuộc sống, chúng ta mưu cầu hạnh phúc, nhưng chúng ta hướng ra bên ngoài để theo đuổi cuộc sống vật chất cơm, áo, gạo, tiền quá nhiều. Vì vậy, khi sống chậm hơn, soi xét kỹ hơn, con người sẽ hiểu được nhu cầu hướng vào bên trong, tu tâm dưỡng tính cũng là một điều rất quan trọng. Do đó trong cuộc sống hiện đại này, nhiều người tìm đến phương pháp niệm Phật là một trong những cách thức để hướng tâm vào trong, nuôi ý thiện, dưỡng chí lành. Vậy cụ thể, để hiểu “Niệm Phật là gì?” mới bạn đọc theo dõi ngay bài viết dưới đây của Decor Hà Nội nhé!

Niệm Phật là gì?
Niệm Phật là gì?

Niệm Phật là gì?

Trong tiếng Hán, “niệm” có nghĩa là tưởng nhớ, là suy nghĩ hướng về một đối tượng nào đó. Vậy niệm Phật có nghĩa là chúng ta đặt tâm mình hướng tới Phật, luôn tỉnh thức và hướng tới thiện tâm trong mọi suy nghĩ, mọi hành động của mình.

Giữa cuộc sống xô bồ, rất nhiều khi chúng ta cảm nhận được sự hỗn tạp của tâm, chúng ta mất tập trung, mất ý chí, không rõ mình muốn gì, nghĩ gì và cần gì. Những lúc này, việc dùng tâm hoặc khẩu niệm Phật để tập trung lại dòng suy tưởng là điều rất quan trọng và duy trì được sự tỉnh thức của chúng ta. Tiếng niệm Phật sẽ dần dần đi vào nội tâm mình, xóa nhòa đi những phiền não, tham, sân, si đang bủa vây lấy trí óc, để thanh lọc và đưa tinh thần của chúng ta về trạng thái cân bằng, bình yên, thanh tịnh.

Chính vì vậy, không chỉ những người xuất gia tu hành, mà cả những người phàm như chúng ta, việc chắp tâm niệm Phật là một hành động tu tâm, tu trí, tu thân mang nhiều giá trị tích cực.

Mục đích của việc niệm Phật

Niệm Phật để có được sự tỉnh thức, tập trung vào hiện tại

Có những lúc trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, chúng ta gặp những khó khăn, rối rắm và phân tâm, tâm trí bị kéo theo bởi những tiếc nuối trong quá khứ, những mong cầu về tương lai và điều đó sinh ra sự muộn phiền, âu lo cho chính bản thân mình. Trong những khoảnh khắc này, việc tập trung trở về với hơi thở chánh niệm và niệm một câu Phật trong tâm sẽ đưa ta trở về gần hơn trong giây phút của hiện tại, không bị vướng mắc bởi quá khứ hay tương lai.

Lời kinh Phật đã khắc ghi rằng:

Đừng tìm về quá khứ

Đừng tưởng tới tương lai

Quá khứ đã không còn

Tương lai thì chưa tới

Hãy quán chiếu sự sống

Trong giờ phút hiện tại

Niệm Phật để được giải thoát

Niệm Phật là cách tu tâm, để tâm ta giải thoát khỏi những muộn phiền, Tham-Sân-Si dẫn lỗi. Càng nhiều gánh nặng vật chất, chúng ta càng nảy sinh nhiều lòng tham ô. Càng nhiều sự sở hữu, chúng ta càng nảy sinh sự lệ thuộc, vướng mắc, mất đi sự tự tại trong thân và tâm của chính mình. Do đó, khi hướng lòng về Phật, chúng ta được hướng tới dòng chuyển hóa của tư tưởng buông bỏ. Buông bỏ những sở hữu, buông bỏ những mong cầu, tự khắc lòng người được an nhiên, giải thoát nhẹ nhõm, bình an.

Sự giải thoát này không chỉ hướng tới việc khi chết, hồn phách được về niết bàn bên Phật. Sự giải thoát này nằm chính trong tâm mình. Tâm an lạc, bình yên chính là khoảnh khắc ta được sống với thế giới thanh tịnh của chư Phật. Có người nghĩ rằng, khi ta niệm Phật, Đức Phật sẽ dẫn lối ta về với thế giới niết bàn đó. Nhưng không, chính tâm ta là thứ dẫn ta đến thế giới đó, chứ không vị thần thánh nào dẫn lỗi ta cả.

Trong kinh Đức Phật dạy, ví như chúng ta trồng một cây nằm ở hướng tây thì khi gió đến, nó sẽ ngã theo chiều của hướng tây. Cũng thế, nếu như hằng ngày ta luôn vun bồi và tạo nhiều công đức lành thì kết quả an lạc sẽ đến với ta và khi mất thân này chúng ta sẽ được tái sinh vào một cảnh giới an lành. Cũng giống như người ăn cơm nếu ăn một bát thì no theo một bát, nếu ăn nhiều thì no nhiều, nhưng tự thân họ cũng có lương thực để an lòng. Do đó, tùy vào mức độ mà ta tu tập nhiều hay ít thì tự thân sẽ được sinh vào cảnh giới thích hợp với quá trình công phu tu tập của mình.

Niệm Phật để được vãng sinh

Vãng sinh là sự kết thúc kiếp sống ở nhân gian, và chuyển hóa sang kiếp sống cao hơn theo quan niệm của nhà Phật. Kiếp sống nhân gian có hỉ, nộ, ái, ố nhưng nếu con người biết nhất tâm niệm Phật thì chúng ta sẽ có chuyển hóa trong tâm, chuyển hóa này giúp chúng ta tỉnh thức và hướng về cái thiện. Tuy nhiên, đạo Phật cũng chỉ ra rằng, không hẳn phải chết đi, con người ta mới có thể vãng sinh, mà ngay trong kiếp sống này, nếu tu tập một cách chánh đạo, sống trong chánh niệm thường xuyên, đều đặn, biết chuyển hóa những đức tính xấu thành những phẩm chất tốt, thì đó cũng được gọi là vãng sinh.

Do đó, việc niệm Phật giúp cho chúng ta nhắc nhở bản thân mình thường xuyên về con đường tu tâm, tu thân để hướng tới điều thiện lành, tốt đẹp. Việc này giúp cho con người được vãng sinh ngay cả ở trong kiếp sống nhân gian.

Cách thức niệm Phật

Chúng ta thường niệm phật A Di Đà với câu tâm niệm: “Nam Mô A Di Đà Phật”.

Niệm Phật gồm có: trì danh niệm Phật , quán tướng niệm Phật, quán tưởng niệm Phật, thật tướng niệm Phật. Nhưng trì danh niệm Phật là phương pháp quan trọng nhất, dễ hành trì và dễ thành tựu. Khi trì danh niệm Phật có hai loại:  Niệm gấp và niệm quởn

Niệm gấp là niệm nhặt, liên tục nối tiếp nhau không dứt. Đây là cách dành cho những người niệm Phật nhưng bị tâm vọng tưởng chi phối, cần niệm nhanh để nương tựa danh chư Phật ngăn vọng tưởng phát khởi. Chúng ta có thể niệm là “Nam Mô A Di Đà Phật” hoặc nếu vọng tưởng vẫn còn nhiều thì sẽ lượt luôn hai từ Nam Mô.
Niệm quởn là niệm nhẹ nhàng, khoang thai, có ngữ điệu trong tâm. Cách này áp dụng khi ngồi thiền, khi tâm hồn đã lặng rồi.
Trong việc niệm Phật, điều quan trọng là sự chú tâm. Đồng thời, chúng ta cũng cần thực tập và áp dụng việc niệm Phật vào trong đời sống hằng ngày để tìm được nguồn an lạc, sống tỉnh thức ở mỗi giây phút của hiện tại. Từ đó, chúng ta có thể loại trừ phiền não, tham – sân – si, không luyến tiếc quá khứ, không lo lắng về tương lai, để trở về với bản thể an nhiên vốn có của mình – đây chính là mục đích cao cả của niệm Phật.
Vì sao chúng ta thường niệm danh Đức Phật A Di Đà?

Lý do chúng ta thường niệm Đức Phật A Di Đà không phải bởi vì Đức Phật có công năng lớn hơn những vị Phật khác. Lý do nằm ở những ý nghĩa sau:

– Trong 48 lời nguyện của Phật A Di Đà đều có nguyện cầu dẫn dắt chúng sinh vào cõi Tây phương Cực lạc. Trong đó có lời nguyện rằng:“ Tất cả chúng sanh 10 phương có lòng tin yêu về cõi ta nếu niệm từ một đến mười niệm mà ta không tiếp dẫn thì ta không thành Chánh giác, trừ ngũ nghịch.

– Căn cứ vào kinh A Di Đà nói rằng: Khi niệm Phật  từ 1 ngày đến 7 ngày nhất tâm bất loạn sẽ được vãng sanh về Tây Phương.

– Căn cứ vào câu chuyện của hoàng hậu Vi Đề Hy, khi bà ngán ngẩm cảnh trần thế nhiều tranh đua, con giết cha đoạt ngôi, bà đã hỏi Đức Phật cảnh giới thanh tịnh để tu hành hướng đến. Khi ấy Đức Phật đã hiện cảnh 10 phương chư Phật và bà đã chọn cảnh giới Tây Phương Cực Lạc để tu tập hướng đến. Lúc đó Đức Phật đã khuyên bà nên nhất danh chấp trì danh hiệu Đức Phật A Di Đà.

Hình ảnh Đức Phật A Di Đà
Hình ảnh Đức Phật A Di Đà

Niệm Phật đúng cách cần lưu ý những gì?

Như đã đề cập ở trên, điều quan trọng nhất khi niệm Phật đó chính là sự chú tâm, thành tâm hướng về Đức Phật và niệm danh hiệu của Ngài. Tuy nhiên, trong quá trình niệm Phật, chúng ta cũng có một số lưu ý sau để quá trình niệm Phật được bình tâm nhất:

Thứ nhất, chấp nhận sự vọng niệm, phóng tâm là điều đương nhiên.

Chúng ta luôn nhận thức được rằng chú tâm là điều quan trọng nhất trong quá trình niệm Phật, nhưng chúng ta thường xuyên rơi vào tình trạng phóng tâm, suy nghĩ nhiều vọng tưởng trong khi niệm Phật. Và nhiều người cảm thấy vô cùng bứt dứt, khó chịu, không thể chấp nhận việc đầu óc khó có thể tập trung vào niệm Phật như vậy. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: vọng tưởng là bản chất của con người. Và niệm Phật để biết mình có vọng tưởng cũng là một thành quả.

Chúng ta nhìn vào những vọng tưởng của mình, chấp nhận nó như một điều tất yếu, dần dần học cách điều khiển suy nghĩ và sự tập trung của mình bằng hơi thở, kiên trì chúng ta sẽ giảm bớt vọng tưởng và chú tâm hơn. Đây là một quá trình, mà việc đầu tiên chúng ta cần nhận thức là chấp nhận vọng tưởng như một điều tất yếu.

Thứ hai, chúng ta cần kiên trì, kiên nhẫn trong niệm Phật

Sự nhiệm màu của pháp môn Niệm Phật là có thật, nhưng cần phải trải qua một thời gian dài và kiên trì. Không nên áp tâm tham nóng vội sẽ khiến con người dễ nản lòng, nản chí, mệt mỏi và căng thẳng.

Như hòa thượng Thiền Tâm đã dạy trong kinh niệm Phật thập yếu: Thuốc không nam bắc, hết bệnh là thuốc hay. Pháp không thấp cao, hà cơ là pháp diệu.  Bởi vì giữa một người sức lực không giống nhau, căn cơ trình độ không giống nhau nên chúng ta phải nắm rõ chỗ này.

Phương pháp niệm Phật là cách thức để chúng ta trở vào bên trong mình, tu tâm dưỡng tính. Chính vì vậy, niệm Phật bằng tâm, hướng tới chân – thiện – mỹ là điều chúng ta mong cầu. Do đó, sự bình tâm, kiên định là điều mà chúng ta cũng học hỏi được trong quá trình niệm Phật.

Bài viết xin kết thúc ở đây. Decor Hà Nội chúc quý bạn đọc có được sự tinh tấn, bình tâm trong quá trình tu học và tu tập!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *