Đền Lảnh Giang – Ngôi đền cổ lưu giữ thần tích thời vua Hùng

Dân gian ta có câu “Trăm nghìn, trăm cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây”. Câu nói này khẳng định vẻ đẹp non nước hữu tình của bến Lảnh Hà Nam. Không chỉ nổi danh với vẻ đẹp miền sơn cước, Hà Nam còn là một mảnh đất quy tụ nhiều ngôi chùa, đền cổ mang truyền thống văn hóa tâm linh ngàn đời của dân tộc. Một trong những ngôi đền nổi tiếng tại Hà Nam đó chính là đền Lảnh Giang. Trong bài viết này, cùng Decor Hà Nội khám phá và tìm hiểu về nguồn gốc, kiến trúc và sự linh thiêng của ngôi đền cổ Lảnh Giang Hà Nam. Mời bạn đọc theo dõi!

Giới thiệu vị trí địa lý đền Lảnh Giang

Đền Lảnh Giang là một ngôi đền cổ hàng trăm năm tuổi chứa đựng thần tích linh thiêng của dân tộc Việt Nam. Tên gọi khác của ngôi đền này là đền Lảnh, tọa lạc tại địa phận thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Trong vô số những địa danh nức tiếng của tỉnh Hà Nam, đền Lảnh Giang vẫn mang một sức hút đặc biệt đối với du khách hành hương, chiêm bái.

Hãy cùng Decor Hà Nội tìm hiểu và chia sẻ về kinh nghiệm đi Đền thờ Cô Bé Cửa Suốt – Chốn Thiêng cầu tự bình an

den-lanh-giang

Đền Lảnh Giang thờ ai?

Dựa vào những câu chuyện dân gian được truyền miệng lại qua nhiều đời, đền Lảnh Giang là nơi thờ tự Tam Vị Thủy Thần (ba vị tướng từ thời Hùng Vương đã giúp vua dẹp loạn giặc ngoại xâm) và vợ chồng công chúa Tiên Dung – Chử Đồng Tử.

Lịch sử hình thành đền Lảnh Giang

Căn cứ trên nhiều tài liệu lịch sử, đến nay vẫn chưa xác định được năm đầu tiên xây dựng đền Lảnh Giang thuộc vào thời đại nào. Chỉ có một dấu tích duy nhất trên nóc ở tòa đệ nhin có khắc một dòng chữ Hán cho biết đền Lảnh Giang được trùng tu lần cuối vào năm 1944, niên hiệu Bảo Đại năm thứ 18. Đi qua suốt một chiều dài lịch sử nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, chứng kiến bao nhịp thăng trầm của đất nước, đến nay ngôi đền cổ linh thiêng Lảnh Giang vẫn được giữ nguyên hiện trạng với nét đẹp cổ kính, chứa đựng bề dày trong truyền thống văn hóa của nước Việt ta.

Đặc biệt nơi đây còn được lưu giữ bản thần tích cùng một số đạo thần sắc có giá trị. Bản thần tích ở đền Lảnh Giang nói về sự tích của ba vị thủy thần.

Công Decor xin tổng hợp và biên tập để quý bạn đọc dễ dàng theo dõi.

Thần tích về Tam Vị Thủy Thần

Ngày xưa nước Việt Nam ta trời mở vận, thánh tổ phục dựng cơ đồ trải qua 28 đời, tổ truyền được hai ngàn năm đất nước thịnh trị, đời đời cha truyền con nối, đều gọi tên là Hùng Vương, lụa ngọc xe cộ sách vở đất nước thống nhất. Đây là ông tổ của Bách Việt. Thời này đất nước truyền được 18 đời, truyền đến Duệ Vương, vương là người đại lược anh hùng, tổ xây tông đắp được 17 đời, đất nước vững bền thịnh trị, trong thì sửa sang văn đức, ngoài thì phòng bị biên phương, dốc chí gây dựng để làm cho nước được yên.

Đương ở thời này ở đạo Sơn Nam, phủ Thái Ninh huyện Thụy Anh trang An Cố có một gia đình họ Phạm tên là Túc, vợ là Trần Thị Ngoạn, vợ chồng đều hiền lành hết lòng tạo phúc làm việc nhân, vốn là gia đình giàu có, duy chỉ có con cháu là chưa sinh được. Một ngày nọ trời trong trăng sáng, bà họ Trần đi ra ngoài đạo, bỗng thấy có một đứa bé gái mồ côi lang thang, thương cảm nên dẫn đứa trẻ về nhà nuôi dưỡng bèn đặt tên là Quý Nương.

Sống được vài năm bỗng một ngày Phạm Túc bị bệnh mà chết, mẹ con bèn trọn nơi đất lành làm lễ an táng.  Trong nhà để tang phụng thờ 3 năm, sau khi xong xuôi, một ngày Quý Nương bèn đi ra ngoài biển tắm gội, bỗng nhiên nhìn thấy một con giao long thân dài 8 thước, nó lượn quanh Quý Nương 3 vòng, Quý Nương kinh sợ ngất lịm đi. Sau sự kiện lạ này, nàng phát hiện mình có thai. Nàng không chịu được những điều tiếng của dân làng nên đã bỏ đi nơi khác và tự mình hạ sinh con đầu lòng. Nhưng lạ thay, nàng lại sinh ra một cái bọc. Cho là điềm chẳng lành, nàng liền đem chiếc bọc đó quăng xuống sông. Chiếc bọc trôi theo dòng nước tới trang Đào Động (xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình), mắc phải lưới của ông Nguyễn Minh. Sau nhiều lần gỡ bỏ, nhưng bọc vẫn cứ mắc vào lưới. Ông Minh thấy lạ bèn khấn: “Nếu bọc này quả là linh thiêng thì cho tôi lấy dao rạch thử xem sao” Khấn xong ông Minh rạch ra, bỗng thấy ba con rắn từ trong bọc trườn xuống sông. Con thứ nhất theo hướng về cửa sông Đào Động, con thứ hai về Thanh Do, con thứ ba về trang Hoa Giám – nơi nàng Quý đang sinh sống. Nhân dân các trang ấp trông thấy đều sợ hãi, cùng nhau ra bờ sông tế tụng, xin được lập sinh từ để thờ.

Lạ thay, vào một đêm trăng sáng, trời bỗng nổi cơn giông, ngoài cửa sông sấm sét nổi lên dữ dội. Đến gần sáng, gió mưa ngớt dần, mọi người đều thấy dưới sông có tiếng người ngâm vịnh:

Sinh là tướng, hóa là thần

Tiếng thơm còn ở trong dân muôi đời

Khi nào giặc dã khắp nơi

Bọn ta mới trở thành người thế gian

Tương truyền ba vị tướng thời Hùng là con của Bát Hải Long Vương và Nàng Quý. Nàng Quý là con nuôi của vợ chồng ông Phạm Túc. Do vậy về sau nhân dân ghép họ Phạm cho các ông.

Bấy giờ Thục Phán có ý định cướp ngôi vua Hùng Duệ Vương. Thục Phán cầu viện binh phương Bắc đánh vào kinh đô. Duệ Vương bèn lập đàn cầu đảo. Đêm ấy nhà vua chiêm bao thấy có người sứ giả mặc áo xanh từ trên trời bước xuống sân rồng, truyền rằng: “Nhà vua nên triệu ba vị thuỷ thần sinh ở đạo Sơn Nam, hiện còn là hình con rắn thì tất sẽ dẹp xong được giặc”. Tỉnh dậy Duệ Vương liền cho sứ giả theo đường chỉ dẫn trong giấc mộng tìm về đạo Sơn Nam. Sứ giả vừa đến trang Đào Động (nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), bỗng nhiên trời đổ mưa to, sấm sét nổi lên dữ dội ở cửa sông. Một người mặt rồng mình cá chép, cao tám thước đứng trước sứ giả xưng tên là Phạm Vĩnh, xin được đi dẹp giặc. Sau đó, ông Phạm Vĩnh gọi hai em đến bái yết thân mẫu, rồi cùng nhau đi yết kiến Duệ Vương.  Hai em và các tướng hợp lại, dưới sự chỉ huy của ông, quân Thục đều bị tiêu diệt.

Vì có công lớn nên nhà vua lại phong cho ông là “Nhạc Phủ Ngư Thượng Đẳng Thần” nhưng ông không nhận, chỉ xin cho dân Đào Động hàng năm không phải chịu sưu dịch. Được vua Hùng đồng ý, ông Phạm Vĩnh cùng hai em về quê hương bái yết thân mẫu và khao thưởng gia thần, dân chúng.

Ngày 25 tháng 8 năm Bính Dần, trong lúc ông đang ngự tại cung thất của mình, bỗng dưng giữa ban ngày trời đất tối sầm, mưa gió ầm ào đổ xuống. Khi trời quang mây tạnh, dân làng không nhìn thấy ông đâu nữa. Cho là điều kỳ lạ, nhân dân trang Đào Động làm biểu tâu với triều đình.

Được tin ông Phạm Vĩnh về trời, nhà vua liền gia phong cho ông là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ưng Thái Thượng Đẳng Thần”, đồng thời đặt lệ quốc lễ, ban sắc chỉ cùng 400 quan tiền cho dân Đào Động rước thần hiệu, tu sửa đền miếu để phụng thờ. Các triều đại sau đó cũng có sắc phong cho ông (hiện trong đền còn giữ 12 sắc phong. Sắc sớm nhất là đời Lê Cảnh Hưng, sắc muộn nhất vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 7. Ngôi đền Lảnh Giang Hà Nam thờ ông cùng 2 anh em rắn còn lại.

Thần tích về Tiên Dung – Chử Đồng Tử

Cũng trên mảnh đất thiêng này, dân gian lưu truyền câu chuyện về mối lương duyên trời định giữ công chúa Tiên Dung và chàng trai nghèo Chử Đồng Tử.

Thần tích truyền lại rằng, ở thôn Đằng Châu có một gia đình gồm hai cha con sinh sống nương tựa nhau trong cảnh nghèo đói. Hai cha con hiền lành, chất phác, chăm chỉ làm lụng nhưng không thoát được cảnh nghèo, cả hai chỉ có một mảnh khố dùng chung để khi có việc ra ngoài. Khi người cha lâm bệnh qua đời, Chử Đồng Tử đã giành chiếc khố để khâm liệm cha. Từ đó, ngày ngày chàng thường đợi khi mọi người không ra đồng, chàng mới ra đồng để làm lụng.

Một hôm, Tiên Dung con gái vua Hùng đi du ngoạn, cảm nhận cảnh sông nước nên thơ, công chúa cho dừng thuyền lại bên bãi cát. Chử Đồng Tử đang mò cá dưới sông, nhìn thấy thuyền rồng, cờ rong lọng tía mà kinh sợ, vội vàng vùi mình dưới cát. Ngay lúc đó Tiên Dung sai các thị nữ quây màn để tắm đúng vào nơi mà Chử Đồng Tử ẩn nấp. Nước xối từ trên người nàng, trôi dần cát ở dưới chân, lộ Chử Đồng Tử trong màn quây. Sau giây phút ngỡ ngàng, cả hai người cho là duyên trời đã định, cùng nhau về triều xin phép vua cha cho kết duyên thành vợ chồng. Chử Đồng Tử, Tiên Dung đã về trời nhưng tình yêu, lòng hiếu thảo còn ở lại mãi với trần gian.

Trần Danh Lâm (1705-1777) khi về thăm Lảnh Giang đã có bài thơ:

“Con gái vua Hùng, tướng vua Hùng

Đền này truyền việc lại nhà thờ chung

Sự nghiệp nhân duyên thì rất đẹp

Tình đời chẳng đẹp đáng thau không”

Kiến trúc đền Lảnh Giang

Đúng như lời ví von của dân gian “Trăm nghìn, trăm cảnh không bằng bến Lảnh đền Mây”, du khách khi đặt chân đến đền Lảnh Giang sẽ được mãn nhãn với kiến trúc uy nghi cùng sự hài hòa tuyệt sắc của non nước hữu tình.

Đầu tiên, cổng Tam Quan được thiết kế kiến trúc theo kiểu chồng diêm tam mái, mang đến vẻ đẹp hùng vĩ và cảm giác cổ kính, trang nghiêm. Đặc biệt những họa tiết hình rộng uốn lượn đẹp mắt kết hợp cùng họa tiết mặt nguyệt và lá lật hài hòa.

Phía trước cổng Tam Quan là hồ bán nguyệt với làn nước trong xanh, phẳng lặng, mang vẻ đẹp của non nước hòa quyện, kết hợp cùng bóng si già nghiêng nghiêng cổ kính. Cho ta tâm bình lặng, an nhiên ngay từ những bước chân đầu tiên vào cửa đền.

Đền Lảnh Giang gồm 3 tòa, 14 gian, nhà khách, lầu thờ và tường thành kiên cố bao quanh. Trong đền có rất nhiều cổ vật và vật dụng thờ giá trị như tượng công chúa Tiên Dung, tượng thờ 3 vị tướng thời Hùng Vương, khánh long đình, kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều di vật có giá trị khác.

Phương thức di chuyển thuận tiện nhất đến đền Lảnh Giang

Tọa lạc tại nơi có địa thế đẹp tại tỉnh Hà Nam, đường đi đến đền Lảnh Giang rất thuận lợi. Do đó, bạn có thể di chuyển bằng xe máy hay ô tô đều thuận tiện.

Về hành trình đến đền Lảnh Giang, du khách chỉ cần di chuyển đến thị trấn Đồng Văn tại huyện Duy Tiên, tiếp tục di chuyển khoảng khoảng 8km trên quốc lộ 38 thì sẽ đến thị trấn Hòa Mạc. Tiếp đến, du khách đi tiếp tầm 3-4 km đến cầu Yên Lệnh rồi rẽ trái chạy men theo con đường cạnh bờ đê sông Hồng là tới đền Lảnh Giang.

Kinh nghiệm đi đền Lảnh Giang

Đền Lảnh Giang mở cửa quanh năm để du khách có thể hành hương, chiêm bái về đến bất kỳ thời gian nào trong năm. Du khách thập phương có thể lưu ý thời điểm tổ chức lễ hội đền Lảnh Giang để có thể tham dự được hai sự kiện lớn trong năm tại ngôi đền. Lễ hội đầu tiên được tổ chức vào ngày mùng 2 đến ngày mùng 5 tháng 6 âm lịch và lễ hội thứ hai tổ chức vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Sở dĩ lễ hội đền Lảnh Giang tổ chức vào khoảng thời gian này vì đây là mùa con nước sông Hồng dồi dào, người dân cầu mong thủy thần sẽ phù hộ, cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Lễ hội đền Lảnh Giang được tổ chức nhằm ghi nhớ công ơn của ba vị thủy thần đã phò tá vua Hùng giữ nước và tri ân công lao của vợ chồng công chúa Tiên Dung. Để vào đền lễ, du khách cần sắm lễ đi đền Lảnh Giang và tìm hiểu qua văn khấn đền Lảnh Giang.

Hãy cùng Decor Hà nội tìm hiểu và chia sẻ về kinh nghiệm đi Đền A Sào – Dấu ấn vàng son của thời đại nhà Trần diệt Mông Nguyên

Cách sắm lễ đi đền Lảnh Giang cho linh thiêng nhất

Thông thường, khi du khách hành hương đến đền Lảnh Giang, mọi người sẽ cần chuẩn bị trước một mâm lễ chay hoặc lễ mặn tùy tâm. những vật phẩm dâng lễ thường là: hoa quả tươi, hương nhang, xôi chè, lá sớ, lộc oản,…

Việc sắm lễ đi đền Lảnh Giang để được linh thiêng nhất không quan trọng ở việc vật phẩm uy nghi, mâm cao cỗ đầy, mà điều quan trọng nhất là sự thành tâm hướng về cửa đền bằng tấm lòng thành, sự biết ơn đến những người đã có công với dân tộc. Sự thành tâm, không bon chen, tham lam sẽ làm nên một đức dày, giúp cuộc sống của mỗi chúng ta được an nhiên, tự tại, đủ đầy và hạnh phúc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *