Đền Cái Lân – ngôi đền thiêng “cầu được ước thấy” vùng đất mỏ Quảng Ninh
Không chỉ nổi danh khắp phương trên vùng đất Quảng Ninh, rất nhiều con hương phật tử đến hành hương chiêm bái ngôi đền cổ mang tên Cái Lân. Đặc biệt những ngày Tết, tuần rằm hay mùng một hàng tháng, đền luôn tấp nập người đến hương khói, thờ tự uy nghi. Vậy sự tích gắn liền với ngôi đền thiêng Cái Lân này là gì? Trong bài viết dưới đây, Decor Hà Nội sẽ cùng bạn tìm hiểu và khám phá nguồn gốc tâm linh của ngôi đền Cái Lân tại vùng đất mỏ Quảng Ninh.
Vị trí địa lý của đền Cái Lân
Về vị trí địa lý, đền Cái Lân tọa lạc trên địa bàn phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất trên đất nước Việt Nam thờ Mẫu Đệ Tam, được nhân dân sùng bái và thờ tự hết sức uy nghi, trang nghiêm. Ngôi đền cổ này còn được mệnh danh là ngôi đền linh ứng “cầu được ước thấy” tại vùng đất mỏ Quảng Ninh. Chính vì vậy con hương thập phương tới đền chiêm bái, cầu an, cầu may tấp nập quanh năm.
Năm 2015, đền Cái lân được nhà nước phân loại là Di tích lịch sử nhưng chưa được xếp hạng.
Bạn có thể tham khảo thêm: Kinh nghiệm đi Chùa Tứ Kỳ – chốn yên bình giữa lòng phố thị nhộn nhịp với bề dày lịch sử hơn 300 năm
Lịch sử hình thành đền Cái Lân
Từ những lưu truyền trong dân gian, ngôi đền Cái Lân là một trong những ngôi đền thờ Mẫu Thoải (bà chúa Thoải phủ). Mẫu Thoải (do dân gian đọc chệch chữ Thủy mà thành) còn được gọi là Mẫu Đệ Tam, là người cai quản miền sông nước, bà chúa liên quan trực tiếp đến dân tộc Việt trong những buổi đầu dựng nước hoang sơ. Thông thường, tại những ngôi đền thờ mẫu, người ta thường thờ chung Tam tòa thánh Mẫu. Duy chỉ đền Cái Lân là một trong ba ngôi đền ở miền Bắc chỉ thờ Mẫu Đệ Tam.
Truyền thuyết kể lại rằng, Thánh mẫu đệ Tam vốn là công chúa con gái vua Bát Hải Long vương Thuỷ quốc Động Đình, có danh hiệu là “Bạch Ngọc Thuỷ tinh xích lân long nữ công chúa”. Nghe theo sự xếp đặt của vua cha, bà kết duyên cùng hoàng tử Kính Xuyên là con vua Đất. Vào một ngày Kính Xuyên đi vắng, mụ vợ lẽ Thảo Mai lén đặt bức thư giả để hãm hại bà. Khi Kính Xuyên quay về, mù quáng nghe theo lời vợ lẽ, nghi cho bà thất tiết, bèn bỏ bà vào cũi mang lên rừng cho hổ dữ ăn thịt. Trong văn hầu mẫu ở đền Cái Lân (cũng như một số nơi khác) có đoạn nói về nỗi oan khuất này:
Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên
Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung
Kính Xuyên sớm kết loan phòng
Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan
Kính Xuyên chẳng xét ngay gian
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành
Lòng trời thương kẻ ngay lành
Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào
Khi mất, bà thường hiển linh phù hộ độ trì cho những người làm nghề sông nước tránh được những trận cuồng phong mưa to gió lớn của thiên nhiên. Vì thế, trên các cửa sông, người dân thường lập đền thờ bà. Một số đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng như Mẫu Thác Hàn Sơn tại Hà Trung, Thanh Hóa, Đền Mẫu Thoải tại thành phố Lạng Sơn, đền thờ Mẫu ở gần cầu Chương Dương, Hà Nội,…
Hiện tại, đền Cái Lân không còn một chứng tích lịch sử nào có thể nói rõ về lịch sử hình thành của ngôi đền. Chỉ biết rằng, tương truyền từ đời này qua đời khác, câu chuyện đền Cái Lân có từ thời nhà Trần. Do vị trí chiến lược của vùng đất nằm ở nơi đổ ra biển của 6 cửa sông, nên Hưng Đạo Đại Vương đã cho xây dựng ở đây một ngôi đền để cai quản sông nước. Và ngài đã mang chân nhang từ ngôi đền Mẫu Thác Hàn Sơn ở huyện Hà Trung, nơi bến Đò Lèn tại Thanh Hóa về để trấn yểm cho Đền. Nhiều người tin rằng, chính sự linh thiêng của Thánh Mẫu đã giúp cho quân dân nhà Trần dánh thắng giặc Mông Nguyên trong nhiều trận thủy chiến ở miền Đông Bắc.
Năm 2009, nhân dân trùng tu lại ngôi đền và xây dựng thêm một ngôi chùa bên cạnh đền. Con hương đến chiêm bái đền cũng thường đến chùa dâng hương, thỉnh cầu.
Kiến trúc đền Cái Lân
Theo thủ từ của ngôi đền, trước đây ngôi đền có rất nhiều bức tượng thiêng liêng. Tại đây, trong đó có tượng mẫu mặc sắc phục trắng (danh hiệu Bạch Ngọc Thuỷ tinh), kích thước to bằng người thật, đôi mắt như có linh hồn, dù mình đứng ở đâu cũng như thấy Mẫu đang nhìn mình. Phía trước ngôi đền có hai pho tượng đôi mắt rất sắc, nhìn dữ lắm, buổi chiều muộn không ai dám lại gần. Ngoài ra, còn có tượng 5 vị quan lớn, tượng cô và tượng cậu ở bên ngoài. Hiện nay, ngôi đền đã được làm đi làm lại đến mấy lần; khi xây dựng Cảng Cái Lân, người ta còn di chuyển đền lên khu vực phía trên đồi cao, nên phần lớn những hiện vật xưa đã bị thất lạc.
Quanh khuôn viên ngôi đền là những cây cổ thụ lâu năm, được dân gian tin rằng đây là những thần cây linh thiêng nên qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, không ai dám chặt phá cây cổ thụ quanh đền. Cây si cổ có tán, thân, rễ cây ôm trọn lấy toàn bộ phía sau và hai bên ngôi đền, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng của ngôi đền thờ Mẫu Đệ Tam.
Kinh nghiệm và cách sắm lễ đi đền Cái Lân được linh thiêng nhất
Đền Cái Lân là ngôi đền cổ linh thiêng nổi tiếng không chỉ với những người con vùng đất biển Quảng Ninh mà còn được biết đến rộng rãi với nhiều con hương thập phương đến đây chiêm bái. Đền mẫu Cái Lân được mệnh danh là ngôi đền “cầu được ước thấy”, đặc biệt linh ứng để cầu bình an cho những người đi biển. Do vậy, vào những dịp Tết nguyên đán, rằm tháng giêng, rằm tháng bảy,.. đền Cái Lân lại thu hút đông đảo du khách đến tham quan, dâng lễ và thỉnh cầu.
Tùy tâm của mỗi người mà chúng ta có thể chuẩn bị một mâm lễ chay hoặc lễ mặn để dâng lên Mẫu Đệ Tam. Thông thường mâm lễ sẽ có những vật phẩm cơ bản như: hương hoa tươi, xôi chè, phẩm oản, cơi trầu, tờ sớ,.. Khi chọn hoa hoặc phẩm oản, bạn có thể lưu ý chọn màu trắng – màu sắc tượng trưng cho Mẫu Thoải để dâng lễ sao cho linh ứng nhất. Và điều quan trọng khi dâng lễ chiêm bái trước cửa Mẫu đó chính là tâm của mình phải sáng trong, thành thật, ngay thẳng để Mẫu chứng giám cho tấm lòng thành của mỗi con hướng đang hướng về đất Mẫu.
Bạn có thể tham khảo thêm: Kinh nghiệm đi Chùa Som Rong – Tinh hoa kiến trúc người Khmer Nam Bộ
Bài văn khấn Mẫu tại chùa Cái Lân
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)
– Con kính lạy Đức Hiệu Thiên chí tôn kim quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao Thượng đế.
– Con kính lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con xin kính Cửu trùng Thanh Vân lục cung công chúa.
– Con kính lạy Đức thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh Mã Hoàng Công chúa, sắc phong Chế Thắng Hoà Diệu đại vương, gia phong Tiên Hương Thánh Mẫu.
– Con kính lạy Đức đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương.
– Con kính lạy Đức đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu, tứ vi chầu bà, năm tòa quan lớn, mười dinh các quan, mười hai Tiên cô, mười hai Thánh cậu, ngũ hổ Đại tướng, Thanh Hoàng Bạch xà đại tướng.
Hưởng tử (chúng) con là: ……………
Ngụ tại: …………….
Hôm nay là ngày ……. tháng …… năm ……
Hương tử con đến nơi Điện (Phủ, Đền) ……… chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái, lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha, kính dâng lễ vật, cúi xin các Ngài xót thương phù hộ độ trì cho gia chung chúng con sức khỏe dồi dào, phúc thọ khang ninh, cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc, cầu bình an đắc bình an, vạn sự hanh thông, gặp nhiều may mắn.
Hương tử con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin được phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lạy)