Bài chầu văn “Cô đôi Thượng Ngàn” đã trở thành một trong những ca khúc chầu văn nổi tiếng và thể hiện nét đẹp trong văn hóa tâm linh thờ Mẫu của người Việt Nam ta. Vậy Cô Bé Thượng Ngàn là ai? Đi lễ Cô Bé Thượng Ngàn ở đâu? Cách sắm lễ đến đền Cô Bé Thượng Ngàn chỉn chu, linh thiêng nhất. Hãy cùng Decor Hà Nội tìm hiểu về thánh tích của Cô Bé Thượng Ngàn trong bài viết dưới đây bạn nhé! Mời bạn đọc cùng theo dõi!

Cô Bé Thượng Ngàn là ai?

Để hiểu rõ hơn về Cô Bé Thượng Ngàn là ai, chúng ta cần tìm hiểu vị trí trong hệ thống Tứ Phủ thần linh, Cô Bé là những vị tiên cô tạo trên tòa Sơn Trang và hầu cận Mẫu, bao gồm Cô Bé thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô và Cô Bé Bản Đền Bản Cảnh. Cô Bé Thượng Ngàn chính là một trong những Cô Bé thuộc hàng Tứ Phủ Thánh Cô. Dân gian truyền tụng rằng, Cô rất linh thiêng và thường xuyên về ngự đồng nên các con nhang, đệ tử thường đến thắp hương, dâng lễ để xin cầu Cô phù hộ về đường công danh, sự nghiệp và tài lộc.

Hình ảnh chúng ta thấy gắn với Cô Bé Thượng Ngàn khi về đồng là cô mặc một áo có màu xanh lục, đôi chân đi hài màu xanh, lưng đeo chiếc gù giống với muôn ngàn loài hoa, như ban thêm hương sắc, sức sống cho thượng ngàn núi rừng, sơn cước.

Theo lời kể truyền tụng của dân gian, Cô Bé Thượng Ngàn mang tính cách vui vẻ, dễ tính, hòa đồng và có chút tinh nghịch như một đứa trẻ vậy. Những người được Cô Bé Thượng Ngàn chứng tâm thường cô sẽ ban phát lộc, phù hợp cho công việc làm ăn được thuận lợi, mau phát đạt và sung túc.

Cô Bé Thượng Ngàn là ai? Thánh tích và sự hiển linh của Cô Bé Thượng Ngàn
Cô Bé Thượng Ngàn là ai? Thánh tích và sự hiển linh của Cô Bé Thượng Ngàn

Thánh tích gắn liền với Cô Bé Thượng Ngàn

Sự tích Cô Bé Tân An

Sự tích Cô Bé Tân An được dân gian truyền lại từ rất lâu đời, gắn liền với một ngôi đền cổ rất xa xưa, đền được gọi là đền Cô Tân An, ngụ tại xã Tân An, Văn Bàn, Lào Cai. Theo nhân dân kể lạ, ngôi đền thờ tự vị nữ chúa có tên húy là Hoàng Bà Xa, người đã có công giúp đất nước dẹp tan giặc, giữ bình yên cho quê nhà cùng với cha là đức quan Hoàng Bảy. Để tưởng nhớ đến những công ơn to lớn này, người đời xưa nối tục cho người đời nay qua bao thế hệ, đến thắp hương, khấn vái để bày tỏ tấm lòng cảm tạ trước những gì mà Cô Bé Tân An đã mang lại cho quê hương, đất nước.

Sự tích Cô Bé Minh Lương

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, vào thời nhà Trần (khoảng thế kỉ XV), tại tổng Minh Lương, thuộc xã Lang Quán ngày nay, thuộc tỉnh Tuyên Quang, có hai vợ chồng người dân tộc dù đã cao tuổi mà chưa có con. Công việc của ông bà là mò cua xúc tép ngoài đồng để sống qua ngày. Đến một ngày nọ, khi người chồng ở nhà, người vợ đi xúc tép như mọi hôm, nhưng xúc mãi lại không được con gì mà chỉ vớt được hai quả trứng lạ. Dù bực mình đã ném hai quả trứng đó đi và xuống hạ nguồn để xúc tôm nhưng vẫn chỉ thấy hai quả trứng. Vì thấy điều lạ, nên bà đã mang hai quả trứng về thả ở chum nước dưới cầu thang của nhà. Ít lâu sau, người vợ mang thai và hạ sinh một cô bé gái xinh xắn, đáng yêu, cả hai vợ chồng vui sướng đặt tên con là Minh Lương. Cùng lúc đó, trong chum nước dưới cầu thang, hai quả trứng đã nở ra hai con rắn. Từ đó, hai con rắn và con gái của hai ông bà cùng nhau lớn lên và chơi với nhau.

Nhưng một ngày nọ, khi đi làm về, hai bố mẹ thấy con gái của mình đã bị hai con rắn độc cắn chết. Vì quá xót xa cho phận con gái nhỏ, ông bà không đành đem con đi chôn cất mà đặt cô trên sàn để tưởng nhớ. Đến sáng hôm sau, ông bà ngạc nhiên vô cùng khi thấy mối đùn lên đắp mộ cho cô. Dân làng thấy vậy liền hiểu ngay rằng, cô đã linh hóa nên lập miếu thờ cô tại nấm mộ được mối đùn này. Vào thời kỳ đất nước chống giặc Cờ Đen, Cô Bé Minh Lương đã hiển linh giúp cho quan quân của ta có thể đánh tan quân thù, bảo vệ bờ cõi của dân tộc. Không những thế, cô còn nhiều lần hiển linh giúp dân làng chữa bệnh, mách những bài thuốc quý từ rừng núi để vượt qua thời kỳ khó khăn, bệnh tật.

Đền thờ Cô Bé Thượng Ngàn hay còn gọi là Cô Bé minh lương được tọa lạc trên một quả đồi ở Tuyên Quang, ba phía được bao bọc bởi hai dòng suối với tên gọi là ngòi Lịch và ngòi Cơi. Hai dòng suối ấy quanh năm trong mát, giao nhau trước cửa đền Cô bé, chảy qua cầu Cơi rồi hòa mình vào thiên nhiên.

Sự tích Cô Bé Mỏ Than

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, Thần Kim Quy đã lén lấy hết mỏ quý của vua cha tại đền Mỏ Than ra vùng biển Nam Hải. Sau khi biết được tin này, Ngọc Hoàng Thượng Đế đã lập tức phái Cô Bé xuống địa giới. Cô cưỡi trên lưng hai con rồng bay xuống. Khi bay xuống, Cô thấy khoảng trời âm u có khí lạnh bay lên, cô vội nhảy xuống với hai chân chẹn lên thần Kim Quy bắt rùa hóa đá. Nhờ Cô Bé Mỏ Than mà bách gia trăm họ vẫn còn “mỏ tụ đồng” xưa. Cô đã xin vua chua mẫu mẹ cho cây xanh bao bọc lấy mỏ, bốn mùa tỏa bóng mát để bảo vệ lấy mỏ. Ngoài ra, cô còn hiển linh chữa bệnh cho nhân dân. Khi đi xa, cô thường để lại đôi thắt lưng dài màu đen (đôi long xà có mào) để giữ đền giữ phủ. Tương truyền rằng, ai nhìn thấy ông rắn có mào thì người đó sẽ được lên danh lên chức, nhưng người đó phải là người hướng thiện và hành thiện.

Đến thờ Cô Bé Thượng Ngàn ở đâu?

Đền thờ Cô Bé Thượng Ngàn được đặt ở rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam ta, đặc biệt ở những vùng núi phía Bắc. Tuy nhiên, nơi nổi tiếng nhất mà được cho là Cô hay về ngự giá nhất là ở gần đền Quan Đệ Tam trên đường Hùng Vương, Lạng Sơn.

Một địa điểm thờ Cô khác cũng nổi tiếng và thu hút nhiều người hàng hương chính là tại đền Chí Mìu, tại tỉnh Bắc Giang. Tại đây, người dân địa phương gọi cô bằng cái tên gọi khác là Cô Bé Chí Mìu.

Cách di chuyển đến đền thờ Cô Bé Thượng Ngàn ở Lạng Sơn

Di chuyển bằng xe khách: Từ Hà Nội bạn đến bến xe Mỹ Đình, bắt xe đến thành phố Lạng Sơn. Đến bến bạn tiếp tục bắt xe đến đền tại Hùng Vương, Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cách khoảng 2km. Tổng thời gian đi mất khoảng 3 tiếng rưỡi cho quãng đường tầm 152Km.

Di chuyển với xe ô tô, xe máy riêng: Bạn sẽ phải di chuyển khoảng 3 tiếng cho quãng đường dài 152km. Quãng đường này có mất phí nhưng là quãng đường nhanh và tối ưu nhất. Bạn đi khỏi Hà Nội theo đường Cầu Vĩnh Tuy – ĐCT Hà Nội Bắc Giang – Cao tốc Bắc Giang Lạng Sơn – QL1A – đến thành phố Lạng Sơn rồi đi theo đường Hùng Vương để đến đền. Tổng thời gian đi từ Hà Nội mất khoảng từ 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng.

Chọn ngày dâng lễ và cách sắm lễ đi đền Cô Bé Thượng Ngàn

Cô Bé Thượng Ngàn là vị Thánh Cô linh thiêng bậc nhất của đạo mẫu, vì thế Cô thường xuyên hiển linh và như ai cầu khấn điều gì chính đáng và hướng tâm thì cô cũng chứng tâm và phù hộ. Tuy nhiên, mọi người vẫn thắc mắc rằng nên chọn ngày dâng lễ Cô Bé Thượng Ngàn vào ngày nào để được linh thiêng nhất. Mọi người thường chọn ngày đẹp là những ngày rằm, mồng một đầu tháng và những ngày đầu xuân năm mới để đến đền dâng hương hoa, lễ vật trước điện thờ Cô Bé Thượng Ngàn.

Về cách sắm lễ để dâng lên điện thờ Cô Bé Thượng Ngàn, tùy tâm của mỗi người mà chúng ta có thể sắm sửa mâm lễ, bày tỏ tấm lòng thành kính tới Cô. Điều quan trọng nhất là mỗi người khi đến đền, đến chùa đều cần có cho mình “tâm từ bi, lòng thành kính” hướng tới đấng trên. Chính sợi dây kết nối tâm thức là điều mà các ngài sẽ chứng cho con người, không phải là mâm cao cỗ đầy, mà là lòng thành kính, tâm thiện lương. Vì vậy, điều cần chuẩn bị và sửa soạn nhiều nhất là tâm của chúng ta. Về lễ, bạn có thể tham khảo những lễ phẩm cơ bản như sau:

Hương hoa
Bánh trái chay tịnh
Nến, đèn
Sớ
Cơi trầu, quả cau

Theo lệ thường, khi sắm lễ mặn sơn trang, người ta thường sắm theo con số 15, ví dụ như 15 con ốc, cua, 15 quả ớt, chanh hoặc có thể chỉ cần 1 quả nhưng được khía ra làm 15 phần… Con số 15 này tương ứng với 15 vị được thờ tại ban sơn trang (1 vị chúa, 2 vị hầu cận, 12 vị cô sơn trang)

Văn khấn tại đền Cô Bé Thượng Ngàn đầy đủ, chỉnh chu nhất

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần)

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Hương tử chúng con dốc lòng kính lạy Đức chúa Thượng Ngàn đỉnh thượng cao sơn triều mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương Ngọc Điện Hạ.

Con kính lạy Đức Thượng Ngàn chúa tể Mị Nương Quế Hoa công chúa tối tú tối linh, cai quản tám mươi mốt cửa rừng trong cõi Nam giao.

Con kính lạy chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, Bát Bộ Sơn Trang, mười hai Tiên Nương, văn võ thị vệ, Thánh Cô Thánh Cậu, Ngũ Hổ Bạch Xà Đại Tướng.

Hương tử con là:………………………….

Cùng gia quyến, ngụ tại:…………………………….

Nhân lễ hội……chúng con thân đến………phủ chúa trên ngàn, thắp nén tâm hương kính dâng lễ vật, một dạ chí thành, chắp tay khấn nguyện. Cúi xin lượng cả bao dung, thể đức hiếu sinh, ra tay cứu vớt, độ cho chúng con cùng cả gia quyến bốn mùa được chữ bình an, tám tiết hưng long thịnh vượng, biến hung thành cát, mọi sự tốt lành.

Giãi tấm lòng thành, cúi xin chứng giám.

Nam Mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Nam mô A Di Đà Phật ! (3 lần).

Bài chầu văn Cô Bé Thượng Ngàn

Bản 1

Riêng một thú trên ngàn thiếu lĩnh

Đỉnh non bồng một cảnh sơn trang

Xinh thay thời thú trên ngàn

Bầu trời cảnh Phật phong quang bốn mùa

Trên bát ngát trăm hoa đua nở

Dưới cảnh rừng bầy thú dạo chơi

Chim bay phấp phới mọi nơi

Cá theo dòng nước đua bơi vẫy vùng

Trên ngàn tùng gió rung lác đác

Đỉnh sườn non đá xếp treo leo

Người xuôi kẻ ngược hò reo vang lừng

Núi xếp núi mấy tầng cao thấp

Cây chen cây tràn ngập màu xanh

Càng nhìn đồi núi càng xinh

Hương phô sắc thắm đua tranh mọi màu

Ngắm thích chí một bầu phong cảnh

Mùi cơm lam, thịt thính, tính ưa

Đồng Đăng, Ao Cá, Chợ Bờ

Sông Thao, sông Cả, sông Bờ, sông Dâu

Kìa Ngư phủ buông câu thả lưới

Nợ tiều phu đốn củi rừng sâu

Bốn mùa gió mát trăng thâu

Non nhân nước trí một bầu cảnh tiên

Thú cảnh vật rừng sim ao cá

Sẵn mang giang, măng trúc măng tre

Bạn Tiên đủng đỉnh ra về

Nón chiêng hài xảo lăng hoa ngạt ngào

Sớm sông Lô, tối vào tuần hạc

Bạn tiên ngồi đàn hát líu lo

Rượu tăm hiến đủ ba vò

Cơm lam, thịt thính, khế chua măng vầu

Thoi độc mộc đua nhau bẻ lái

Vượt muôn trùng thác Cái Ghềnh con

Ầm ầm nước chảy đá mòn

Xa nghe tiếng vượn ru con buồn rầu

Loài bách thủ rủ nhau tìm đến

Vượt muôn trùng dâng tiến quả hoa

Lệnh truyền bạch tượng chín ngà

Tiên Cô giá ngự kèn loa xập xình

Ngự tính tình đàn thông phách trúc

Nhịp sênh ngô sáo trúc véo von

Xa nghe tiếng cú gọi hồn

Rừng thiêng nước độc đầu non hổ gầm

Loài bầy cáo âm thầm lặng lẽ

Lũ gà rừng thường lệ điểm canh

Nửa đêm giờ Tý hiện hình

Áo chàm vòng bạc đai xanh mỹ miều

Giận hài xảo lưng đeo cung tiễn

Hú ba quân thắng tiến rừng sâu

Lệnh truyền mán mọi sơn đầu

Nghe Cô hạ lệnh rủ nhau mà về

Cho trấn khắp sơn khê rừng cấm

Các cửa rừng Bắc Nẫm sông Neo.

Dù ai mắc bệnh hiểm nghèo

Tiên Cô phù chú bệnh đều tan không

Kẻ xuôi ngược dốc lòng thành kính

Nguyện đời đời hưng thịnh đề đa

­­Thỉnh Cô trắc giáng đền tòa

Khuông phù đệ tử vinh hoa thọ trường.

Bản 2

Xinh thay thời thú Cô Ngàn

Cô đi trảy hội sơn trang mới về

Rung rinh rẽ mái tóc thề

Khi chơi miền ngược lúc về miền xuôi

Đồi non bướm lượn hoa cười

Rừng xanh hiện xuống cứu người trần gian

Sơn lâm dọn quán bán hàng

Đồng nhang lính thánh vào hàng hỏi mua

Hàng Cô hàng chát hàng chua

Hàng cay hàng đắng ai mua thì vào

Hàng Cô chẳng đáng là bao

Đắng cay ngoài lưỡi ngọt ngào trong tâm

Hàng cô hoa cỏ sơn lâm

Củ mài rau sắng cúc tần chi chi

Hàng Cô chẳng thiếu thức gì

Trái chanh trái ớt cùng thì quả dưa

Hỏi rằng như thế đủ chưa

Hay là chưa đủ vì chưa có đào

Ngàn xanh hái mận hái đào

Sơn lâm cảnh đẹp cô vào hái sung

Non cao nước biếc ngàn trùng

Cô lên trên đất Mộc Châu hái xoài

Sơn hôm cô bẻ măng mai

Cô đi Bình Lục hái vài quả na

Đường về xứ Lạng bao xa

Cô đi hái trái thanh trà chín cây

Tiện đường cô ghé về đây

Về đền Bắc Lệ vui vầy suối khe

Đường xa mưa gió chẳng nề

Xe loan thượng ngự giáng về đền đây

Rượu cần say, gió bay tà áo

Mặc mưa phùn giông bão sá chi

Lòng thành thiết lập đàn y

Cơm lam thịt thính (Cô bé) có hề trọng khinh

Rượu nồng dâng cô một bình

Ốc dăm ba cái cua cành mười ba con

Dâng cô ngàn của lạ vật ngon

Lễ này tiến nạp Sơn Trang Bắc Lệ Ngàn

Trên đời nhiễu nối dở dang

Trăm điều chếch lệch cô bé ngàn để tâm

Ai thời có phúc cho phần

Đăng nhang phụng sự giáng lâm đàn tràng

Thỉnh Cô loan giá ngự phàm

Khuông phù đệ tử an khang thọ trường

Bản 3:

Về đồng cô chít khăn lam

Cô bận áo lục

Đôi lẵng lòng thòng

Cô quảy trên vai

Lẵng hoa cô xếp thực tài

Cưỡi mây đạp gió,

cô đi đôi hài

xanh xảnh xành xanh

Trên Bát ngát trăm hoa đua nở

Kẻ ngược xuôi qua lại cúc cung

Chơi đâu thời đó vui mừng

Dạy chim oanh hót dạy người rừng bán buôn

Có phen dạy vượn ru con

Con kêu con hót nỉ non buồn rầu

Một đàn cầm thú bảo nhau

Con kêu con hót con tâu con quỳ

Con bay trước cửa rù rì

Giọng như chim sáo tì ti tình là

Dạo chơi khắp hết gần xa

Đêm đem biến hiện vào ra cửa rừng

Phép màu lục trí thần thông

Lầu hồng phủ tía thánh cung ra vào

Đêm đêm gác tía võng đào

Cây xanh mắc vòng cành cao cợt cười

Quở đến ai trong dạ bồi hồi

Ruột gan nóng sốt như sôi như bào

Đặt mình là thấy chiêm bao

Đã hay đau ốm lại hao tốn tiền

Biết ra thời nhẹ như tên

Nếu mà không biết như thuyền bỏ neo

Quở cho trăm chứng hiểm nghèo

Khi thời lội suối lúc trèo lên cây

Làm cho lòng dạ vơi rầy

Cơm ăn chẳng được nước rầy cầm hơi

Thuốc vào lại vã mồ hôi

Phép thành uy trời khôn đổi được đâu

Còn ai trốn tránh chưa hầu

Biết danh Cô Bé phải mua về đền

Đôi hài quả nón dâng lên

Tiến về thánh phủ, trình lên bơ tòa

Độ người đi nụ về hoa

Đi tươi về tốt đi xa về gần

Ai thời có phúc cho phần

Thay quyền vương mẫu câm cân cõi phàm

Thương ai núi ngọc non vàng

Cho buôn may bán đắt nhẹ nhàng thảnh thơi

Cô lại cho tài lộc hơn người

Phúc cao thọ hưởng đời đời ấm no

Tâm thành khấn nguyện cô cho

Nhớ mà trả lễ đừng vờ quên đi

Muốn quên cô để cho quên

Một lần không giả cô bắt đền ba

Tiên cô vốn tính hay là

Trần gian không biết cô đà trêu chơi

Giận ai cô chẳng chả nhời

Làm tôi Cô Bé Thượng suốt đời thành tâm

Ba mươi mùng một hôm rằm

Hương hoa lễ vật thành tâm đảo cầu

Hôm nay tiến bản văn chầu

Khuông phù đệ tử sở cầu tòng tâm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *