Chùa Tứ Kỳ – chốn yên bình giữa lòng phố thị

Chùa Tứ Kỳ từ lâu đã trở thành một địa điểm tâm linh thu hút đông đảo du khách cùng Phật tử tứ phương đến vãn cảnh và dâng lễ cầu những điều tốt đẹp. Vậy chùa Tứ Kỳ ở đâu? Thờ ai? Quá trình hình thành và phát triển như thế nào? Ngay sau đây hãy cùng Decor Hà Nội tìm hiểu tất tần tật qua bài viết dưới đây nhé!

Chùa Tứ Kỳ ở đâu?

Chùa Tứ Kỳ hay còn gọi là Linh Tiên Tự tọa lạc tại thôn Tứ Kỳ – một ngôi làng cổ nổi tiếng với đặc sản bún Tứ Kỳ ở phía Nam kinh thành Thăng Long xưa. Hiện nay chùa có vị trí tại ngõ 8 đường Ngọc Hồi, khu vực phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Đây là mảnh đất chứng kiến rất nhiều sự kiện thăng trầm của lịch sử dân tộc ta vì vậy đây là một mảnh đất để lại rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa có giá trị. Vào khoảng thế kỷ XVII – XIX chùa Tứ Kỳ là nơi góp phần rất quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của đạo Phật phái thiền tông trên vùng đất phía Nam Thăng Long – Hà Nội. Vào năm 1995, chùa được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa.

Chùa Tứ Kỳ còn là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo độc đáo tại Hà Nội. Chùa Tứ Kỳ còn được mệnh danh là thư viện Phật giáo nổi tiếng tại Việt Nam với 2148 đầu sách và hơn 500 đầu băng đĩa. Tất cả các nội dung trong các đầu sách và đĩa chủ yếu là về Phật pháp căn bản, kinh tạng, luật, luận, Thiền tông, Mật tông, phim Phật giáo, sách nói, bài giảng pháp,… Đồng thời chùa còn cho nhân dân và các Phật tử mượn sách về đọc vào những ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc là vào mùng một.

Bạn có thể tham khảo thêm: Khám phá đền Cao An Phụ – thắng cảnh linh thiêng đất Kinh Môn – Hải Dương

Lịch sử hình thành và phát triển chùa Tứ Kỳ

Dựa trên nhiều tài liệu cùng với những cổ vật vẫn còn được lưu giữ trong chùa như tấm bia niên hiệu Chính Hòa ( 1689), chuông đồng niên hiệu Thiệu Trị ( 1841) thì các chuyên gia cho rằng cho được xây dựng trước những năm trên, cụ thể là vào thời nhà Lê. Đồng thời cũng dựa vào những đồ vật được lưu giữ lại cùng với kiến trúc thì chùa có một đợt tu bổ, trùng tu lớn vào thời nhà Nguyễn. Và những dấu tích này vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.

Chùa Tứ Kỳ từng là một căn cứ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách Mạng Tháng 8 năm 1945. Nhiều không gian trong chùa cụ thể là đầm sen sau chùa đã trở thành nơi ẩn náu của các chiến sĩ. Vào tình thế nguy cấp này, sư cụ Đàm Dần – trụ trì chùa lúc bấy giờ cũng đã xung phong tham gia vào cách mạng để bảo vệ quê hương, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian chiến tranh này, chùa đã bị giặc đốt phá làm chùa bị hư hỏng nặng nề, các công trình kiến trúc bị hư hại không ít. Phần bị hư hỏng nặng nhất đó là trụ biểu bên phải nhà tiền đường bị bom phá cụt phần búp sen, đây cũng là dấu tích, bằng chứng của tội ác chiến tranh gây ra. Một thời gian sau, chiến tranh đã qua đi yên bình đã trở lại, nhân dân xung quanh cùng chính quyền địa phương cùng nhau kêu gọi quyên góp từ các Phật từ gần xa để phục dựng tôn tạo lại chùa, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của mọi người. Trải qua cuộc đại trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được những nét nguyên bản, những nét đặc trưng của kiến trúc tôn giáo truyền thống. Cho đến nay chùa vẫn còn khoảng hai chục pho tượng tròn được chế tác từ thế kỷ XVII.

Kiến trúc độc đáo chùa Tứ Kỳ

Chùa Tứ Kỳ có quy mô khang trang, rộng rãi, được quy hoạch với diện tích lớn. Các hạng mục kiến trúc trong chùa được xây dựng bao gồm cổng tam quan, nhà tiền đường, tòa thượng điện, nhà bia, hai nhà dải vũ, tháp Phật, điện thờ Mẫu.

Cổng tam quan

Chùa được xây dựng quay mặt về hướng Đông nhìn ra đường quốc lộ 1A, phía đông hồ Linh Đàm. Cổng tam quan của chùa được xây dựng hai tầng, với tầng trên được thiết kế theo kiểu bốn mái, ở mỗi góc mái được trang trí bởi các hình đắp lưỡng long chầu nguyệt, hình rồng đuôi xoắn, hình bốn chim phương đầu quay bốn hướng. Tầng dưới là sự kết hợp của ba cửa vòm cuốn. Thân trụ được tạo gờ nổi, trên ghi đôi câu chữ Hán. Những điều trên tạo nên tổng thể cổng tam quan nhìn rất đẹp mắt, thu hút ánh mắt du khách. Theo nguồn thông tin chính xác thì cổng tam quan được trùng tu lần gần nhất là vào năm 2013.

Nhà tiền đường

Nhà tiền đường là khu nhà chính tại chùa Tứ Kỳ, trong đó bao gồm 5 gian rộng lớn được xây dựng trên nền cao với kết cấu kiểu cồng diêm hai tầng tám mái phân thượng tứ – hạ tứ quay mặt về hướng Đông Bắc.  Bộ vi kéo cùng với các cột gỡ được thiết kế tinh xảo, tỉ mỉ đặt trên chân tảng theo bố cục trên tròn dưới vuông. Sát tường hậu tiền đường, bên phải là tượng Thánh Hiền, bên trái là tượng Đức Ông.

Tòa thượng điện

Tòa thượng điện được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh và là tòa cao nhất với 3 tầng 12 mái. Tòa thượng điện bao gồm một đầu nói với gian giữa tiền đường. Mái của thòa này được lợp ngói ta, bờ nóc đắp theo kiểu bờ đinh. Ở trung tâm tòa thượng điện, nằm trên bệ thờ dọc được đặt các pho tượng Quan Âm Nam Hải, Bồ Tát, A Di Đà tam tôn, Tam Thế.

Nhà tổ

Phía sau tòa thượng điện là nhà tổ – nơi thờ hai pho tượng Tổ trong tư thế ngồi có kiến trúc ba gian đầu hồi bít đốc đơn giản.

Điện thờ Mẫu

Điện thờ Mẫu có kiến trúc hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền bái và hai gian hậu cung. Gian giữa chính điện là ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông, phía trong là ban thờ Tam Hòa Thánh Mẫu, gian bên trái là ban thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo, Quan hoàng,… Phía bên phải là tòa bảo tháp Phật – nơi để các Phật tử và nhân dân đến học tập, có đáy rộng hình bát giác cao 9 tầng với các hoa văn, đầu đao thiết kế theo kiểu hiện đại. Bên trong tòa tháp Phật được đặt một quả chuông lớn có khắc chữ “ Linh Tiên tự Chung” được đúc năm 1841 ( năm Thiệu Trị 1).

Bạn hãy cùng Decor Hà Nội tìm hiểu thêm về Đền Mẫu Thoải ở đâu? là ai? Kinh nghiệm và cách sắm lễ đi đền

Một số lưu ý đi lễ chùa Tứ Kỳ

Cần phải ăn mặc lịch sự, không được hở hang, không gây phản cảm để không làm ảnh hưởng đến nơi tôn nghiêm cũng như danh tiêng của chùa. Nên di giày bệt hoặc dép để tiện cho việc di chuyển hơn.
Nên chuẩn bị tiền lẻ và sắm sửa lễ vật thật thành tâm để đi lễ chùa thì các ngài mới chứng.
Lễ vật chuẩn bị rất đơn giản, không cần cầu kỳ. Lễ vật chuẩn bị dâng hương, đặt lễ nên ưu tiên những món đồ chay, tịnh như hoa, quả tươi chín, trầu cau, xôi chè, phẩm oản.
Khi lễ đền Mẫu, bạn có thể chuẩn bị lễ vật chay, mặn tùy tâm nhưng chú ý chỉ nên chọn đồ đơn giản như gà, giò, tránh cầu kỳ và màu mè.

Phương thức di chuyển đến chùa Tứ Kỳ

Chùa Tứ Kỳ nằm liền kề quốc lộ 1A, có vị trí cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km. Vậy nên việc di chuyển không có gì khó khăn cả, di chuyển bằng phương tiện nào cũng rất thuận tiện. Với phương tiện ô tô hoặc xe máy, bạn đi về hướng đường Giải Phóng. Hết đường Giải Phóng là tới đường Ngọc Hồi. Rẽ vào ngõ số 8 Ngọc Hồi là tới chùa. Ngoài ra, có thể đi dọc từ chùa Pháp Vân xuống phía nam theo đường Ngọc Hồi hoặc đi ngang theo đường vành đai 3 nối với cầu Thanh Trì. Với phương tiện xe bus, bạn có thể bắt xe đi về bến xe Nước Ngầm như tuyến số  03b, 04, 06, 08, 12, 21b, 48, 60b, 94, 99, 101.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *