Trong bài viết này, cùng chúng tôi tìm hiểu và trả lời những câu hỏi về hàng hóa như: Hàng hóa là gì? Điều kiện ra đời và tồn tại của hàng hóa? Nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây!
Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hóa
Sản xuất hàng hoá chỉ ra đời, khi có đủ hai điều kiện sau đây:
Phân công lao động xã hội
Phân công lao động xã hội là sự phân chia lao động trong xã hội vào các ngành, nghề khác nhau trong đó mỗi người chỉ sản xuất ra một hoặc một vài sản phẩm nhất định.
Phân công lao động xã hội tạo ra sự chuyên môn hoá lao động, do đó dẫn đến chuyên môn hoá sản xuất thành những ngành nghề khác nhau khiến cho xã hội ngày càng có nhiều ngành nghề
Phân công lao động là cơ sở, tiền đề của sản xuất hàng hóa. Do phân công lao động xã hội nên mỗi người sản xuất chỉ tạo ra một hoặc một vài loại sản phẩm nhất định. Song, nhu cầu tiêu dùng trên thực tế lại cần đến rất nhiều loại sản phẩm khác nhau. Để thoả mãn nhu cầu đòi hỏi họ phải có mối liên hệ phụ thuộc vào nhau, trao đổi sản phẩm cho nhau.
Tuy nhiên, phân công lao động xã hội chỉ mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ. C. Mác đã chứng minh rằng, trong công xã thị tộc ấn Độ thời cổ, đã có sự phân công lao động khá chi tiết, nhưng sản phẩm lao động chưa trở thành hàng hoá. Bởi vì tư liệu sản xuất là của chung nên sản phẩm và từng nhóm sản xuất chuyên môn hoá cũng là của chung; công xã phân phối trực tiếp cho từng thành viên để thoả mãn nhu cầu. C. Mác viết: “Chỉ có sản phẩm của những lao động tư nhân độc lập và không phụ thuộc vào nhau mới đối diện với nhau như là những hàng hoá”1. Vậy muốn sản xuất hàng hoá ra đời và tồn tại phải có điều kiện thứ hai nữa.
Sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế của những người sản xuất
Sự tách biệt tương đối về mặt kinh tế của những người sản xuất làm cho những người sản xuất có quyền độc lập , tự chủ trong việc sản xuất kinh doanh và phân phối sản phẩm. Khi đó sự trao đổi sản phẩm giữa người sản xuất sẽ được thực hiện dưới hình thức trao đổi mua bán.
Sự tách biệt này là do có sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Cá nhân có quyền sở hữu tư liệu sản xuất nên có quyền sở hữu sản phẩm lao động. Do đó người khác muốn có sản phẩm ấy phải thông qua sự mua- bán hàng hóa, tức là phải trao đổi dưới những hình thái hàng hóa.
Ở Việt Nam, có sự tách biệt này còn do sự tách biệt giữa quyền sử dụng và quyền sở hữu trong hình thức sở hữu nhà nước. Trong xã hội có sự đa dạng hóa sở hữu, thừa nhận sở hữu tư nhân. Tuy nhiên nhà nước nắm giữ quyền sở hữu còn trao quyền sử dụng cho doanh nghiệp để doanh nghiệp được độc lập sản xuất và phân phối sản phẩm. Từ đó cũng hình thành nên sự trao đổi mua bán hàng hóa theo nguyên tắc thuận mua vừa bán.
→ Đây là điều kiện đủ cho sự ra đời của sản xuất hàng hóa.
Vậy, sản xuất hàng hoá chỉ ra đời khi có đồng thời hai điều kiện nói trên, nếu thiếu một trong hai điều kiện ấy thì không có sản xuất hàng hoá và sản phẩm lao động không mang hình thái hàng hoá.
Hai thuộc tính của hàng hóa
Hàng hoá và hai thuộc tính của hàng hoá
Hàng hoá là sản phẩm của lao động có thể thỏa mãn nhu cầu nhất định nào đó của con người thông qua trao đổi, mua bán.
Trong mỗi hình thái kinh tế – xã hội, sản xuất hàng hoá có bản chất khác nhau, nhưng hàng hóa đều có hai thuộc tính:
Giá trị sử dụng
Giá trị sử dụng là công dụng của sản phẩm có thể thỏa mãn nhu cầu của con người. Ví dụ: cơm để ăn, xe đạp để đi, máy móc, nguyên, nhiên vật liệu để sản xuất…
Công dụng của vật phẩm, giá trị sử dụng của hàng hóa do thuộc tính tự nhiên của vật chất quyết định. Với ý nghĩa như vậy, giá trị sử dụng là một phạm trù vĩnh viễn. Khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng khai thác, lợi dụng được tính có ích của vật chất dẫn đến ngày càng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau, nhiều giá trị sử dụng khác nhau.
Giá trị sử dụng chỉ thể hiện khi con người sử dụng hay tiêu dùng, nó là nội dung vật chất của của cải, không kể hình thức xã hội của của cải đó như thế nào. Đã là hàng hóa thì phải có giá trị sử dụng thì mới trao đổi, mua bán được. Nhưng không phải bất cứ vật gì có giá trị sử dụng cũng đều là hàng hóa. Một vật muốn trở thành hàng hóa thì giá trị sử dụng của nó phải là vật được sản xuất ra để bản, để trao đổi, cũng có nghĩa là phải có giá trị trao đổi. Trong kinh tế hàng hóa, giá trị sử dụng là cái mang giá trị trao đổi.
Giá trị hàng hoá:
Muốn hiểu được giá trị phải đi từ giá trị trao đổi. Giá trị trao đổi là tỷ lệ về lượng mà 1 giá trị sử dụng này trao đổi với 1 giá trị sử dụng khác.
Ví dụ: 1m vải = 10kg thóc. Khi hai sản phẩm khác nhau (vải và thóc) có thể trao đổi được với nhau thì giữa chúng phải có một cơ sở chung nào đó. Cái chung ấy không phải là giá trị sử dụng. Nhưng cái chung đó phải nằm ngay ở trong cả hai hàng hoá. Đó là chúng đều là sản phẩm của lao động. Chính hao phí lao động ẩn giấu trong hàng hoá làm cho chúng có thể so sánh được với nhau khi trao đổi. Chúng được trao đổi theo một tỷ lệ nhất định nhưng lượng lao động hao phí để sản xuất ra chúng là ngang bằng nhau.
Giá trị hàng hóa là hao phí lao động xã hội để sản xuất ra hàng hóa. Hao phí lao động xã hội bao gồm hao phí lao động sống của người lao động sản xuất trực tiếp ra sản phẩm ( thể lực, trí lực, thời gian) và hao phí lao động trong quá khứ để sản xuất ra tư liệu sản xuất. Trong quy mô xã hội, giá trị của hàng hóa do hao phí lao động trung bình quy định.
Giá trị hàng hóa là nội dung còn giá trị trao đổi là hình thức biểu hiện của giá trị. Giá trị hàng hóa quyết định giá trị trao đổi.
Khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển thì lượng giá trị hàng hóa càng có xu hướng giảm xuống do hao phí lao động giảm xuống.
→ Vậy, bất kì hàng hóa nào cũng có 2 thuộc tính trên. Giữa 2 thuộc tính vừa có sự thống nhất vừa có sự mâu thuẫn với nhau.
Lượng giá trị của hàng hóa và các nhân tố ảnh hưởng tới lượng giá trị hàng hóa
Cơ sở xác định lượng giá trị hàng hóa
Lượng giá trị hàng hóa được đo lường thông qua đơn vị thời gian, cụ thể là do thời gian lao động quyết định.
Trong thực tế, một loại hàng hóa đưa ra thị trường do rất nhiều người sản xuất ra, nhưng mỗi người sản xuất do điều kiện sản xuất, trình độ tay nghề là không giống nhau nên thời gian lao động cá biệt để sản xuất ra hàng hóa của họ khác nhau. Tuy nhiên, lượng giá trị hàng hóa phải phản ánh hao phí lao động trung bình trong ngành, trong xã hội chứ không do hao phí lao động cá biệt xác đinh. Như vậy, thước đo lượng giá trị của hàng hóa được tính bằng thời gian lao động xã hội cần thiết.
Thời gian lao động xã hội cần thiết là thời gian cần thiết để sản xuất ra một hàng hoá trong điều kiện bình thường của xã hội, tức là với trình độ kỹ thuật trung bình, trình độ khéo léo trung bình và cường độ lao động trung bình so với hoàn cảnh xã hội nhất định.
Giá trị của hàng hóa (hao phí lao động xã hội) bị chi phối bởi hao phí lao động của nhóm có điều kiện sản xuất trung bình trong xã hội và cũng là nhóm cung ứng đại bộ phận sản phẩm ra thị trường.
Các nhân tố ảnh hưởng đến lượng giá trị hàng hóa
Năng suất lao động:
Năng suất lao động là năng lực sản xuất của người lao động, được tính bằng số lượng sản phẩm sản xuất ra trong một đơn vị thời gian hay số lượng thời gian cần thiết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm.
Khi năng suất lao động xã hội càng tăng, thời gian cần thiết để sản xuất ra hàng hoá càng giảm, sản lượng càng tăng nhưng lượng giá trị của một đơn vị sản phẩm càng giảm. Do đó, mỗi cá nhân, mỗi người sản xuất kinh doanh không ngừng tăng năng suất lao động dể hao phí lao động cá biệt giảm xuống nhỏ hơn hao phí lao động xã hội nhằm thu được nhiều lợi nhuận hơn, cắt giảm thua lỗ.
Các biện pháp tăng năng suất lao động:
– Ứng dụng những tiến bộ của khoa học-kĩ thuật để cải tiến đối với máy móc, thiết bị, công nghệ.
– Nâng cao trình độ tay nghề của người lao động ( đào tạo lao động sẵn có, trả lương cao để thu hút lao động trình độ cao)
– Tổ chức hợp lý hóa các khâu của quá trình sản xuất, sắp xếp đúng người, đúng việc.
– Lợi dụng những điều kiện tự nhiên thuận lợi.
→So sánh tăng năng suất lao động và tăng cường độ lao động:
– Giống: cũng dẫn tới 1 kết quả là tăng sản lượng
– Khác:
+ Tăng NSLĐ xã hội: người lao động không mệt mỏi hơn mà sản lượng vẫn tăng và lượng giá trị của 1 đơn vị hàng hóa giảm
+ Tăng CĐLĐ là tăng mức độ khẩn trương của hoạt động lao động. Kết quả: tạo ra nhiều sản phẩm hơn, người lao động mệt mỏi hơn → không thay đổi về chất của hoạt động sản xuất. Trong chừng mực mà người lao động có thể chịu đựng được thì giá trị của hàng hóa không đổi.
Mức độ phức tạp của lao động
Các loại hoạt động lao động được chia thành 2 loại:
– Lao động giản đơn là những hoạt động lao động mà người lao động chỉ cần có 1 sức khỏe bình thường, 1 trí lực bình thường, 1 thể lực bình thường là có thể làm đc.
– Lao động phức tạp là những hoạt động lao động mà người lao động phải được đào tạo về chuyên môn trước đó.
Trong cùng 1 thời gian lao động, lao động phức tạp sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn lao động giản đơn. Lao động phức tạp là lao động giản đơn được nhân lên gấp bội.
Để cho các hàng hóa do lao động giản đơn tạo ra có thể quan hệ bình đẳng với các hàng hóa do lao động phức tạp tạo ra, trong quá trình trao đổi ta quy mọi lao động phức tạp thành lao động giản đơn trung bình. Như vậy, lượng giá trị của hàng hoá được đo bằng thời gian lao động xã hội cần thiết, giản đơn trung bình.