“Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ

Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy”

Đó là những câu ca dân gian truyền tụng qua bao đời nay về ngôi chùa Thầy linh thiêng trong việc kén vợ, gieo duyên lành. Đồng thời, ngôi chùa Thầy cũng nức tiếng khắp thập phương về phong cảnh non nước hữu tình, và trở thành một điểm du lịch tâm linh của người Hà Thành và con hương, phật tử ở nhiều vùng lân cận. Trong bài viết này, cùng Decor Hà Nội tìm hiểu về giá trị văn hóa tâm linh, kiến trúc của ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất – chùa Thầy. Mời bạn đọc cùng theo dõi!

Vị trí địa lý của chùa Thầy

Chùa Thầy, còn được gọi là chùa Cả. Ngôi chùa này tọa lạc ở chân núi Sài Sơn, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội. Chùa cách trung tâm nội thành khoảng 20km về phía Tây Nam, đi theo đường cao tốc Láng – Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy.

Giữa chốn sơn thủy, có cảnh quan giao hòa giữa núi non và hồ nước, vị trí địa lý của chùa Thầy hội tụ những dòng linh khí tốt lành, vượng khí của trời đất để trở thành một thắng cảnh đẹp nức lòng mỗi người con đến chiêm bái, dâng hương.

Chùa Thầy - Ngôi chùa cổ thiêng đất Quốc Oai
Chùa Thầy – Ngôi chùa cổ thiêng đất Quốc Oai

Lịch sử hình thành của chùa Thầy

Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng và nổi tiếng bậc nhất tại Hà Nội. Thời sơ khai, chùa chỉ là một am nhỏ và được gọi là Hương Hải am. Đây là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì.

Vào thời vua Lý Nhân Tông, vua đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa là chùa Cao trên núi và chùa Dưới (tức là chùa Thầy). Vào đầy thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc đã trùng tu, tôn tạo và xây dựng điện Thánh, điện Phật cùng nhà hậu, nhà bia và gác chuông.

Trên thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Trước chùa, bên phải là núi Sài Sơn, bên trái là ngọn Long Đầu.

Ngôi chùa cổ nhuộm màu trầm mặc của thời gian đã đi qua những thăng trầm của lịch sử và góp phần tạo nên vẻ đẹp cho tín ngưỡng tâm linh và văn hóa của người Việt từ xưa tới nay.

Kiến trúc của chùa Thầy

Có thể nói, kiến trúc là một trong những điều đặc biệt làm nên vẻ đẹp và sức hút của ngôi chùa Thầy Chùa được xây dựng gồm nhiều kiến trúc hợp thành kiểu “nội tiền công, hậu nhất, ngoại quốc”. Chúng ta cùng tìm hiểu kiến trúc của ngôi chùa cổ bậc nhất Hà Thành này qua từng phần như sau

Thủy đình

Được xây dựng vào thời Hậu Lê (1533 – 1789). Thủy đình nằm ở giữa hồ Long Trì gồm 1 gian, 2 dĩ với kiểu phương đình, chồng diêm hai tầng và 8 mái với góc đao cong. Thủy đình chia làm 2 cấp, hai bên cao trên mặt nước, khu vực giữa ngập nước. Đây là nơi để biểu diễn loại hình nghệ thuật rối nước.

Cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên

Cầu được xây dựng theo kiến trúc “thượng gia hạ kiều”. Cầu Nguyệt Tiên nằm ở bên phải chùa Cả, nối với bờ hồ lên núi. Còn cầu Nhật Tiên nằm ở bên trái, dẫn ra đảo nơi có đền thờ Tam phủ. Theo tương truyền, hai cầu này được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XVII bởi Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan.

Đền Tam Phủ

Ngôi đền nằm trên một gò đất cao nổi giữa hồ Long Trì. Đền rộng 5m, dài 7m gồm 3 gian 2 dĩ nhỏ và được xây bằng đá ong đỏ sẫm, 4 lá mái, lợp ngói mũi hài. Kết cấu đền Tam phủ theo kiểu chồng rường bẩy hiên”. Ngôi đền này được xây dựng vào đầu thời nhà Nguyễn.

Chùa Hạ

Hay còn được gọi là tiền đường với chiều dài 20m, cao 5.2m, rộng 5m gồm 3 gian 2 chái. Chùa Hạ được xây dựng trên nền với độ cao khoảng 1m so với sân chùa. Bộ vì nóc “giá chiêng – kẻ suốt” với phần mái lợp ngói mũi hài, bốn đầu đao cong vươn lên. Trên bộ mái được trang trí lân, makara, rồng.

Nhà cầu

Nhà cầu hay ống muống của chùa Thầy được xây dựng để nối giữa tiền đường và thượng điện. Thiết kế nhà gồm 1 gian, 2 mái chạy dọc, rộng 4.5m, dài 4.1m với kết cấu 2 bộ vì 4 hàng kẻ góc đỡ đầu mái và 4 hàng chân cột. Bộ vì kèo được thiết kế theo kiểu “kẻ truyền giá chiêng” với các trụ ngắn. Ở vách ngăn gỗ và 2 hàng lan can trang trí chấn song con tiện với nhiều họa tiết trang trí độc đáo.

Chùa Trung

Hay còn gọi là thượng điện với 3 gian 2 chái, rộng 9.5m, dài 20m, cao 5.5m. Chùa Trung có khám thờ ở bên trong. Kết cấu bộ vì theo kiểu chồng rường – giá chiêng. Phần mái lợp ngói mũi hài kết cấu tàu đao – lá mái với góc đầu đao được uốn cong. Nhờ hệ thống cửa bức bàn gỗ bao hai bên bồi và phía sau mà thượng điện có kết cấu thông thoáng.

Chùa Thượng

Chùa Thượng hay điện Thánh được thiết kế 1 gian 2 chái lớn với chiều rộng 11.7m, dài 14.7m và cao 6m. Bộ khung của điện gồm 16 cột quần và 4 cột cái. Vì nóc kiểu “chồng rường con nhị – giá chiêng”. Bên trong điện Thánh rất ít họa tiết hoa văn trang trí. Tuy nhiên, bên ngoài ở 3 mặt ván gỗ bưng lại được chạm khắc tinh tế, cầu kỳ với các đề tài phượng, lân, rồng… Phía sau là hệ thống bậc đá với đôi sấu đá đầu nghệ mang đậm phong cách kiến trúc và điêu khắc thời Trần.

Các công trình khác

Bên cạnh đó, kiến trúc của chùa Thầy còn có các hành lang bằng đá, gác chuông, gác trống, hai dãy hành lang của chùa chạy dọc hai bên, gồm 9 tượng La Hán với 13 gian nhỏ. Ở cuối mỗi dãy, 3 gian cuối được đẩy lên cao thành gác Trống, gác Chuông. Phía sau điện Thánh là nhà hậu đường với 11 gian và 2 dĩ nhỏ.

Hệ thống chùa trên núi

Trên núi có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của Nguyễn Trực và Nguyễn Thượng Hiền. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.

Phía trên chùa Cao, trên đỉnh núi có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,… trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm thơ.

Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè

Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.Dưới hang gió có một lối đi nhỏ là hang của Bác ngày xưa xuống để phòng ngự đánh giặc.

Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi. Truyền thuyết ở khu vực chùa Bối Am

Như vậy, quanh núi Thầy, ngoài chùa Thầy còn có cả một cụm kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau.

Trong một bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy “như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa”.

Điêu khắc trong chùa Thầy

Chùa Thầy là nơi quy tụ rất nhiều pho tượng đẹp, thể hiện được vẻ đẹp của nghệ thuật điêu khắc, chạm khắc cũng như gửi gắm nét đẹp văn hóa tâm thức của người Việt ta. Các pho tượng đẹp nhất của chùa Thầy tập trung tại chùa Trên.

Trên cao nhất là tượng Di Đà Tam tôn được tạc vào đời Mạc. Phật A Di Đà ngồi giữa dáng vẻ phúc hậu. Pho tượng Quán Thế Âm bên phải ngồi buông chân trái xuống, chân phải co lên, tay cầm một cây phất trần, dáng vẻ ung dung. Pho Đại Thế Chí ngồi xếp bằng, hai tay bắt ấn mật phùng. Ba pho tượng mỗi pho một vẻ không giống nhau, tạo thành một bộ tượng đẹp đặc biệt.

Dưới đó, chính giữa là tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật. Tượng được tạc vào thế kỉ 19, khuôn mặt khắc khổ, nổi rõ mạch máu, ngồi xếp bằng tròn trên một bệ hoa sen còn lại từ đời Lý. Bệ hoa sen đặt trên một con sư tử cuộn tròn, dưới con sư tử là một bệ bát giác. Hiện nay tượng được đội mũ hoa sen và khoác áo vàng.

Bệ đá chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bồn góc có hình thần điểu Garuda. Trong chùa Thượng còn có hai cây cột làm bằng loại gỗ quý gọi là gỗ Ngọc am.

Lễ hội và nét đẹp văn hóa của chùa Thầy

Hội chùa Thầy được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch. Trong ngày hội có rất nhiều các phái đoàn phật tử từ nhiều nơi khác trong vùng vê dự lễ. Lễ cúng Phật và trai đàn – một diễn xướng có tính chất tôn giáo được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc.

Rủ nhau lên núi Sài Sơn

Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình?

Hỏi non, non những làm thinh

Phải rằng non đã vô tình với ai?

Nước non ví chẳng chiều đời

Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung?

Yêu nhau ta dắt nhau cùng

Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.

(Á Nam Trần Tuấn Khải)

Cách di chuyển đến chùa Thầy và giá vé tham quan

Chùa Thầy khá gần Hà Nội, do đó để di chuyển đến đây bạn có thể lựa chọn đi xe máy, ô tô hoặc xe bus.

Xe bus: bắt xe bus 73 (bến xe Mỹ Đình – chùa Thầy) với giá vé 10.000 VNĐ/lượt. Trung bình cứ 10 – 20 phút sẽ có một chuyến.

Xe máy, ô tô cá nhân: bạn chạy xe dọc Đại lộ Thăng Long. Sau khi đến cầu vượt Sài Sơn thì rẽ phải, tiếp tục chạy khoảng 1km nữa là đến chùa.

Giá vé tham quan chùa Thầy hiện nay là 10.000 VNĐ. Ngoài ra, phí dịch vụ trông xe máy là 10.000 VNĐ/xe và ô tô là 30.000 VNĐ/xe.

Kinh nghiệm đi lễ chùa Thầy

Cũng giống như các ngôi chùa khác, chùa Thầy cũng có những quy định riêng khi đi vào chùa, như việc các quý khách thập phương cần chú ý tới trang phục và lời ăn tiếng nói. Vào chùa với tâm thế bình thản, an nhiên, ăn mặc lịch sự, không gây phản cảm.

Đồng thời cần có ý thức bảo vệ cảnh quan thiên nhiên chùa, không được tự ý chạm vào tượng thờ khi không được phép.

Một lưu ý nhỏ khi vào chùa Thầy ở dịp lễ hội, vào những ngày lễ chính, người người từ nhiều thập phương đến chiêm bái chùa, nên số lượng người là rất đông, vì vậy thường diễn ra cảnh mất cắp, do đó không nên mang theo những tài sản có giá trị khi đi chùa.

Đồng thời, ở chùa Thầy, những dịch vụ bán hàng rong, bán những vật phẩm tâm linh như bùa hay lá may mắn rất nhiều. Bạn cũng có thể mua, nhưng nên xem xét chỗ bán uy tín vì đôi khi việc chèo kéo khách của người bán sẽ làm cho bạn cảm thấy khó chịu.

Nếu thấy có người dẫn dắt và thuyết giảng về lịch sử, kiến trúc trong chùa, thì họ sẽ tính phí, không miễn phí, nên bạn cũng cần lưu ý điều này để bước vào nghe với tâm thế an nhiên nhất.

Đi chùa để tâm an, hướng thiện và vãng cảnh, chính vì vậy, sự thư thái, tự tại trong tâm là điều quan trọng nhất. Hy vọng bài viết của chúng tôi đem đến những thông tin hữu ích tới bạn đọc!

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *