Ngôi đền thờ bà Đức Quốc Mẫu Ỷ Lan Nguyên Phi, tại xã Dương Xá – huyện Gia Lâm – Hà Nội là một điểm dừng chân mà bạn không nên bỏ lỡ. Nơi đây không chỉ là một địa điểm du lịch lịch sử mà còn mang nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Vậy hãy cùng Decor Hà Nội tìm hiểu lịch sử hình thành và kiến trúc của đền Nguyên Phi Ỷ Lan .
Vị trí địa lý đền Nguyên Phi Ỷ Lan
Đền Nguyên Phi Ỷ Lan tọa lạc tại xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ngôi đền nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội hơn 10km, qua cầu Chương Dương, nằm ngay bên Quốc lộ 5 trên địa bàn huyện Gia Lâm. Di tích là niềm tự hào của người dân Dương Xá và nhân dân thủ đô mỗi khi nhắc đến một tượng đài nữ anh hùng của dân tộc. Di tích là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, đánh dấu một thời kỳ vàng son thịnh trị của Vua Thánh Tông và Nhân Tông thuộc vương triều họ Lý. Trong sâu thẳm tâm thức, hình tượng bà hết sức sâu sắc bởi sự gần gũi, tảo tần và rất đỗi thông minh. Bà không chỉ là nhân vật lịch sử mà còn là danh nhân đất Việt. Ở cương vị nhiếp chính thay vua bận việc quân ở ngoài biên thùy, bằng tài năng đức độ trị quốc an dân, đã khích lệ cổ vũ vua và ba quân tướng sĩ đánh thắng kẻ thù. Bước vào chùa, du khách sẽ cảm nhận được sự bình an, thư thái ở chốn tâm linh, bỏ lại phía sau những ồn ào tấp nập của dòng xe lưu thông trên tuyến quốc lộ huyết mạch.
Bạn cùng Decor Hà Nội tìm hiểu thêm về Mẫu Cửu Trùng Thiên là ai? Kinh nghiệm đi tìm hiểu sự tích về Mẫu Cửu Trùng Thiên
Lịch sử hình thành đền Nguyên Phi Ỷ Lan
Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, ngôi đền được xây dựng vào năm 1115, nơi lưu giữ lịch sử của Hoàng Thái Hậu Nguyên Phi Ỷ Lan – Lê Thị Yến. Cha là Lê Công Thiết, mẹ là Vũ Thị Tỉnh, dì ghẻ là Chu Thị và người giúp việc trong lúc hoạn nạn là lão tăng Thái Diên. Bà chính quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh nay thuộc xã Dương Xá huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Lúc 12 tuổi mẹ mất, cha lấy vợ kế, cuộc đời của Ỷ Lan khổ như cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám. Bà là phi tần của vua Lý Thánh Tông, mẹ ruột của vua Lý Nhân Tông – vị vua uy vũ, văn trị ở ngôi lâu nhất trong lịch sử đất nước. Bà là người phụ nữ duy nhất của quốc gia hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước, để lại những dấu ấn quan trọng trong hoàng triều nhà Lý. Khi vua Lý Thánh Tông bận chinh chiến nơi biên cương, bà đã cùng các quan đại thần trong triều bàn bạc để đưa ra những chính sách khắc phục nạn đói. Thêm vào đó, bà cũng đưa ra một số chính sách đẩy mạnh sản xuất, trừng trị quan lại tham ô. Năm 1072, bà cùng thái úy Lý Thường Kiệt giúp triều đình giữ vững kỷ cương, đánh tan âm mưu xâm lược của quân Tống. Chính vì vậy, nước Đại Việt nhanh chóng khởi sắc, thịnh vượng trở lại. Tài năng quốc trị của bà đã có đóng góp rất lớn và được người đời sau khen ngợi. Nhân dân sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm.
Kiến trúc đền Nguyên Phi Ỷ Lan
Bước chân vào ngôi đền, bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình, thanh tịnh bởi lối kiến trúc đẹp và những hàng cây xanh xung quanh ngôi đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan hay còn gọi là chùa “ Bà Tấm” – Chùa Cả, Đền Cả.
Đền toạ lạc trong một khuôn viên thoáng đãng, rộng khoảng 4ha, gồm: chùa, đền, điện, sơn trang, và nhà thuỷ đình. Cổng đền với mái cong uốn lượn, xen kẽ nhiều họa tiết rồng, phượng, mây, gió – những dấu hiệu của lối kiến trúc cổ xưa độc đáo. Đền có hai cổng, cổng bên ngoài gọi là tam quan và cổng trong gọi là nghi môn. Ngôi đền được xây dựng vào cuối thế kỷ XI, chùa có tên là Linh nhân Tự Phúc Tự” do chính Linh Nhân hoàng thái hậu (Ỷ Lan) xây dựng. Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan được xây dựng theo lối kiến trúc cung đình thời Lý với 72 cửa, thuộc loại cổ nhất nước ta. Có nhiều hiện vật quý hiếm từ thời Lý đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Chùa vẫn còn lưu giữ một khám thờ gỗ sơn son thếp vàng ở triều Lê Sơ, Mạc kế tiếp là sản phẩm tiêu biểu của kỹ nghệ sơn thếp truyền thống ở thế kỷ XVI (triều Mạc). Trải qua hơn 400 năm, đây là một trong ba khám thờ có niên đại sớm nhất mang phong cách trang trí nghệ thuật vẫn còn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.
Thêm vào đó, đôi sư tử điêu khắc bằng đá, với chiều rộng 1.36m, cao 1,20m, trong tư thế nằm phủ phục với những đường nét mềm mại, uyển chuyển vừa tạo được phong thái uy nghi mà vẫn hiền hòa. Trán sư tử ngắn, miệng mở rộng, hàm răng đều đặn, đặc biệt đôi mắt được bàn tay tài hoa, khéo léo của người nghệ nhân tạo nên rất có “hồn” và thần thái. Khác với những con sư tử ở các đình chùa, sư tử ở đền thờ Ỷ Lan đang vờn ngọc, trên trần được trổ chữ “ vương” khẳng định chúa tể của muôn loài, bảo vệ báu vật của đất nước. Đây xứng đáng là một tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu mang dấu ấn của thời đại. Thủ tướng chính phủ đã quyết định công nhận tượng đôi sư tử đá thời Lý và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng ở di tích là Bảo vật quốc gia. Đây đều là hiện vật gốc độc bản, mang nhiều giá trị trên nhiều phương diện khác nhau: văn hóa, lịch sử, nghệ thuật.
Đặc biệt ở đền còn có đôi câu đối từ cổ xưa, ca ngợi công đức của Hoàng Hậu Ỷ Lan:
“Thập bát tử, điếu phỏng thế tại tam truyền chiêu lệnh thục
Bách dư sở tự quán địa lưu cố trạch tối linh thanh”
(Có nghĩa: Đời nhà Lý thứ ba kén được người con gái đẹp, có đức có tài. Đất nước ta có trên một trăm nơi thờ nhưng đây chính là quê hương của bà được lưu truyền đến ngày nay và rất linh thiêng)
Hiện nay, ở nước ta có 72 nơi lập đền thờ Hoàng Hậu Nguyên Phi Ỷ Lan nhưng ngôi đền và chùa thờ Ỷ Lan được xây dựng ở ngay chính quê hương của Bà ở Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Đền Nguyên Phi Ỷ Lan không chỉ là nơi thờ phụng một danh nhân lịch sử mà còn là một điểm đến tâm linh rất đáng trân trọng của dân tộc. Đến đây, ta không thể bỏ qua tượng Nguyên Phi Ỷ Lan được chạm khắc rất tỉ mỉ, tinh tế, đặt trong khám gỗ lớn, toát lên vẻ đôn hậu, nhân từ của một thánh mẫu đất Bắc, tạc khi bà là Nguyên phi cùng 6 vị cung nữ trong triều. Gian ngoài có đặt ngai thờ và một số đồ tế khí. Trên ngai có bài vị ghi: Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu. Qua nhiều lần trùng tu, nhưng đến nay ngôi đền vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, mang đậm dấu ấn văn hóa thời nhà Lý. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo, quý hiếm của dân tộc. Trong thời gian tiền khởi nghĩa, đây là nơi được đón các đồng chí Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ như: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Văn Tiến Dũng v.v… đi về hoạt động.
Bạn hãy cùng Decor Hà Nội tìm hiểu thêm về: Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn là ai? Sự tích và các nơi thờ cúng
Lễ hội hàng năm đền Nguyên Phi Ỷ Lan
Hàng năm, người dân trong vùng nô nức tổ chức lễ hội truyền thống kéo dài suốt 3 ngày từ 19 đến 21 tháng 2 âm lịch. Du khách thập phương lại hành hương về Dương Xá tham dự lễ hội truyền thống kỷ niệm ngày Nguyên phi Ỷ Lan đăng quang và ngày 24, 25 tháng 7 âm lịch, ngày mất của bà. Với không gian thanh tịnh, đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan là điểm dừng chân lý tưởng để du khách thập phương đến chiêm bái và vãng cảnh đầu năm. Tất cả cùng về thắp hương tưởng niệm, nhớ về người phụ nữ nổi danh trong lịch sử nước nhà với 2 lần nhiếp chính trông coi việc nước.
Trên đây là bài viết giới thiệu vị trí địa lý, kiến trúc của Đền Nguyên Phi Ỷ Lan. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn thật nhiều thông tin hữu ích, Hãy theo dõi website Decor Hà Nội để có thêm nhiều bài viết hay nữ nhé!