Đền Mẫu Thoải ở đâu?

Mẫu Thoải là một trong ba vị thánh Mẫu được thờ vọng uy linh ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Từ thuở khai thiên lập quốc, lưu truyền Mẫu Thoải là vị thánh Mẫu ban sức mạnh điều hòa nguồn nước, đem lại cuộc sống yên ấm trong nhân dân. Chính vì vậy đền Mẫu Thoải được người dân lập ở nhiều nơi trên mọi miền đất nước để tưởng nhớ đến công ơn của vị thánh Mẫu đức hạnh. Nổi tiếng trong số đó là đền Mẫu Thoải ở Lạng Sơn và Long Biên. Trong bài viết này Decor Hà Nội sẽ cùng bạn tìm hiểu về kinh nghiệm và cách sắm lễ đi đền Mẫu Thoải sao cho linh thiêng nhất! Mời bạn đọc theo dõi!

Mẫu Thoải là ai?

Mẫu Thoải là vị thánh mẫu cai quản vùng sông nước. Từ “Thoải” được dân gian đọc chệch từ “thủy” mà thành, nghĩa là nước. Mẫu Thoải còn có nhiều danh hiệu khác như Tam Mẫu Thủy Cung, Xích Lân Công Chúa, Động Đình Công Chúa Thần Nữ, Thủy Tiên Công Chúa, Thủy Cung Thánh Mẫu.

Trong số các vị Thủy Phúc thần tín ngưỡng Việt Nam, Mẫu Thoải mang quyền uy quan trọng nhất. Theo hệ thống xã hội Việt những ngày khai sơn lập thủy, chúng ta theo cơ cấu tổ chức mẫu hệ, chính vì vậy Mẫu là Mẹ, là đấng sáng tạo ban đầu của vạn vật trời đất. Mẫu Thoải cũng được mệnh danh là vị thánh Mẫu khởi nguyên sáng tạo ra miền sông nước, tạo ra hệ thống ao hồ, sông, suối, đầm, ruộng. Do vậy, người dân cung kính thờ vị Mẫu Đệ Tam Thủy Cung linh thiêng, cầu mưa thuận gió hòa, cho cuộc sống nhân dân được ấm no, yên bình.

Bạn hãy cùng Decor Hà Nội tìm hiểu thêm về kinh nghiệm đi Chùa Som Rong – Tinh hoa kiến trúc người Khmer Nam Bộ

Đền Mẫu Thoải ở đâu? Kinh nghiệm và cách sắm lễ đi đền Mẫu Thoải
Đền Mẫu Thoải ở đâu? Kinh nghiệm và cách sắm lễ đi đền Mẫu Thoải

Sự tích Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ

Truyền thuyết kể lại rằng, Thánh mẫu đệ Tam vốn là công chúa con gái vua Bát Hải Long vương Thuỷ quốc Động Đình, có danh hiệu là “Bạch Ngọc Thuỷ tinh xích lân long nữ công chúa”. Nghe theo sự xếp đặt của vua cha, bà kết duyên cùng hoàng tử Kính Xuyên là con vua Đất. Vào một ngày Kính Xuyên đi vắng, mụ vợ lẽ Thảo Mai lén đặt bức thư giả để hãm hại bà. Khi Kính Xuyên quay về, mù quáng nghe theo lời vợ lẽ, nghi cho bà thất tiết, bèn bỏ bà vào cũi mang lên rừng cho hổ dữ ăn thịt. Trong văn hầu mẫu ở đền Cái Lân (cũng như một số nơi khác) có đoạn nói về nỗi oan khuất này:

Thỉnh mời Đệ Tam Thánh Tiên

Xích Lân Long Nữ ngự miền Thoải Cung

Kính Xuyên sớm kết loan phòng

Thảo Mai tiểu thiếp ra lòng gieo oan

Kính Xuyên chẳng xét ngay gian

Vàng mười nỡ để lầm than sao đành

Lòng trời thương kẻ ngay lành

Xui quan Liễu Nghị nho sinh tìm vào

Khi mất, bà thường hiển linh phù hộ độ trì cho những người làm nghề sông nước tránh được những trận cuồng phong mưa to gió lớn của thiên nhiên. Vì thế, trên các cửa sông, người dân thường lập đền thờ bà. Một số đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng như Mẫu Thác Hàn Sơn tại Hà Trung, Thanh Hóa, Đền Mẫu Thoải tại thành phố Lạng Sơn, đền thờ Mẫu ở gần cầu Chương Dương, Hà Nội,…

Đền Mẫu Thoải ở đâu?

Hầu hết những ngôi đền ở cả nước ta đều có ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, ngoài ra còn có đền phủ thờ riêng Mẫu Thoải. Bạn có thể tham khảo những địa chỉ sau để đến chiêm bái, dâng hương lên vị Thánh Mẫu linh thiêng của nước nhà.

Đền Hàn Sơn (Thanh Hóa)

Địa chỉ: Thị trấn Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa

Đền Hàn Sơn là ngôi đền thờ Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ nổi tiếng nhất trên cả nước. Đền được xây dựng nằm ngay cạnh bên dòng sông Lèn, một chi lưu của sông Mã, nước chảy cuồn cuộn quanh năm. Hàng năm, con hương từ thập phương đến tham quan, chiêm bái ngôi đền rất đông. Một phần vì xứ Thanh hàng năm thường mở hội lớn để ghi nhớ công ơn của Thánh Mẫu, một phần do sự linh thiêng, linh ứng của ngôi đền từ ngàn đời nay.

Hằng năm lễ hội Hàn Sơn được tổ chức vào tháng 6 âm lịch. Phần chính của lễ hội là ngày rước kiệu, cách thức là rước bóng Cô Bơ từ đền Ba Bông về hầu thánh Mẫu đệ Tam đền Hàn.

Đền Mẫu Thoải tại Long Biên

Địa chỉ: số 21, tổ dân phố số 9, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.

Đền Mẫu Thoải Long Biên, Hà Nội còn được người dân biết đến với tên gọi đền Mẫu Thoải Bắc Biên, hay tên tiếng Nôm là đền Mẫu Thoải Phúc Xá Linh Từ. Đền Mẫu Thoải ở Hà Nội được xây dựng trên vùng đất địa linh có thế phong thủy rất đẹp, ngay sát dòng chảy của con sông Hồng, lại có lạch nước tự nhiên rộng lớn, trong lành, tạo thế tụ thủy.

Ngay bên ngoài ngôi đền là tượng Mẫu Thoải, vị thần được thờ chính của đền. Ngoài ra, mẫu cũng được thờ ở một riêng đặt ở bên trái sân đền. Hiện nay, đền còn lưu giữ một số câu đối, hoành phi, cuốn thư, biển lệnh,… đều là những cổ vật vô cùng có giá trị.

Các lễ cúng của đền tập trung vào dịp tứ quý: ngày mùng 10 tháng giêng, tháng tư và tháng bảy, tháng chạp âm lịch.

Đền Mẫu Thoải tại Lạng Sơn

Đền Mẫu Thoải tại Lạng Sơn còn được biết đến với tên gọi là đền Cửa Đông – một trong bốn ngôi đền cổ thiêng trấn giữ quanh Thành cổ Lạng Sơn. Đền nằm ngay cạnh sông Kỳ Cùng tại tại đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.

Đền được biết đến với lịch sử hình thành từ đầu thế kỷ 18, thờ Mẫu Thoải, cùng với đó là Quan Lớn Đệ Tam – người có công trấn giữ và bảo vệ nhân dân tại phía đông thành cổ Lạng Sơn xưa.

Kiến trúc của ngôi đền nổi bật với 32 pho tượng thánh, 4 bức hoành phi, 6 câu đối, 2 chuông đại và 2 đôi lọ lục bình,.. Kiến trúc xây dựng theo kiểu chữ Nhị gồm gian Đại Bái và hậu cung. Nơi đây cũng thường được mở phủ hầu đồng, hầu giá với những nét đặc sắc trong tín ngưỡng thờ Mẫu ngàn đời của dân tộc.

Bạn hãy cùng Decor Hà Nội tìm hiểu thêm về kinh nghiệm đi Đền Cái Lân – ngôi đền thiêng “cầu được ước thấy” ở Quảng Ninh

Kinh nghiệm và cách sắm lễ đi đền Mẫu Thoải được linh thiêng nhất

Hằng năm, cứ vào độ đầu xuân năm mới hay các ngày hội lớn tại đền Mẫu Thoải, người dân từ thập phương lại nô nức kéo nhau đi dâng lễ hành hương xin mẫu ban lộc, ban phước, bảo vệ bình an, sức khỏe cho nhân dân, mong cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

Khi sắm lễ đi đền Mẫu Thoải, mâm lễ cơ bản sẽ bao gồm: một đĩa hoa quả, một cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi chè, vàng hương, và một cánh sớ báo danh (Lễ mặn chỉ đặt ở ban Công Đồng). Điều quan trọng khi đi lễ Mẫu không phải là việc chuẩn bị mâm cao cỗ đầy mới tỏ lòng thành, điều quan trọng nhất là nằm ở sự thành tâm hướng về công ơn của Mẫu, giữ cho mình ngay thẳng với tấm lòng trong sạch. Không tỏ bày niềm tham, sân, si khi đứng trước ban Mẫu.

Văn khấn Mẫu Thoải:

Nam mô a di đà phật! (3 lần)

Hương tử chúng con thành tâm kính lạy đức Hiệu Thiên Chí tôn Kim Quyết Ngọc Hoàng Huyền cung cao Thượng đề.

Kính lạy

Đức Cửu Trùng Thánh Vân lục cung công chúa

Đức Thiên tiên Quỳnh Hoa Liễu Hạnh Mã Hoàng công chúa, sắc phong Chế Thắng Hỏa Diệu Đại Vương, gia phong Tiên Hương Thánh mẫu

Đức đệ nhị đỉnh thượng cao sơn triều Mường Sơn tinh công chúa Lê Mại Đại Vương

Đức đệ tam Thủy phủ, Lân nữ Công Chúa

Đức đệ tứ khâm sai Thánh Mẫu, tứ vị chầu bà, năm tòa quan lớn Mười dinh các quan, mười hai Tiên Cô, mười hai thánh cậu, Ngũ hồ Đại tướng, Thanh Hoàng Bạch Xà Đại tướng.

Hôm nay là …

Tín chủ con là ………..

Ngụ tại:……………………………

Cùng toàn thể gia đình đến điện (phủ, đền) chắp tay kính lễ khấu đầu vọng bái.

Lòng con thành khẩn, dạ con thiết tha kính dâng lễ vật con cúi xin các ngài xét thương cứu độ cho gia đình con tiêu trừ tai nạn điều lành thường tới, cầu tài được tài, cầu lộc được lộc, cầu bình an được bình

Nam mô a di đà phật! (3 lần)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *