Đền mẫu Đầm Đa – nét tinh hoa của văn hóa tâm linh thờ mẫu
Chắc hẳn mỗi người dân Việt Nam chúng ta xưa và nay đều thấm nhuần gốc gác ra đời “Con Rồng cháu Tiên” của mình qua những trang truyền thuyết được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Và có một địa danh hội tụ đầy đủ nét đẹp của văn hóa tâm linh, hướng chúng ta nhớ về nguồn cội của mình – đó chính là đền mẫu Đầm Đà hay còn được gọi là Đền mẫu Âu Cơ. Trong bài viết này, cùng Decor Hà Nội khám phá vẻ đẹp của tâm linh và sự tài hóa của kiến trúc có ở đền Mẫu Đầm Đa. Mời các bạn cùng theo dõi!
Giới thiệu vị trí địa lý đền Mẫu Đầm Đa
Đền Đầm Đa là một khu di tích tâm linh nổi tiếng, nằm ở xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Đây là một vùng đất được biết đến với những vẻ đẹp nguyên sơ nhất của tạo hóa, với quần thể hang động, núi non và những mái hiên động thạch nhũ cực kỳ đẹp và thu hút.
Đồng thời đền Mẫu Đầm Đa còn được nằm trong khu quần thể di tích tâm linh Đầm Đa, nên khi tới chiêm bái ngôi đền thờ mẫu tổ của dân tộc, chúng ta có thể ghé thăm những di tích khác như: chùa Tiên, động Tiên, động Ông Hoàng Bảy, động Cô Chín, động Suối Vàng Suối Bạc tiếp đó đến động Ông Hoàng Mười, động Cung Tiên, động Ông Hoàng Bơ,..
Bạn có thể tham khảo thêm: Kinh nghiệm đi Đền Lảnh Giang – Ngôi đền cổ lưu giữ thần tích thời vua Hùng
Lịch sử hình thành đền Mẫu Đầm Đa
Theo truyền thuyết thì cháu ba đời của Đế Viên họ Thần Nông là Đế Minh nhân chuyến tuần du vùng núi Ngũ Lĩnh Đế Minh lấy con gái Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục. Ngài là bậc thánh thông minh. Đế Minh yêu quý Lộc Tục cho nối ngôi, phong là Kinh Dương Vương ( 287-294 trước Công Nguyên) cho cai quản phương Nam.
Lộc Tục lấy con gái Long Thần là Động Đình Quân sinh ra Lạc Long Quân, tức Sùng Lãm là người có đức độ tài hoa, văn võ song toàn, giúp dân trừ tà giết quỷ. Trong chuyến tuần du ở Động Lăng Xương bên Sông Đà.
Lạc Long Quân đã gặp Âu Cơ là con gái của Đế Lai nên hai người đã nên duyên vợ chồng rồi Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng nở 100 người con. Khi các con lớn lên, Lạc Long Quân đã nói với Âu Cơ: Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thuỷ hỏa khó hòa hợp, vì thế hai người đã chia 50 người con theo mẹ lên rừng, 50 người con theo cha xuống biển, trở thành tổ tiên của các tộc người, dòng họ Việt Nam ngày nay.
Sau khi chia ly, mẹ Âu Cơ đã cùng các con mở mang đất đai bờ cõi. Khai khẩn tới vùng nào, bà cũng dạy dân cách sinh sống hòa thuận ấm no, chỉ bảo nghề nghiệp lâu dài, phải triển sinh hoạt cộng đồng văn hóa khiến cho ai nấy đều biết ơn và tôn kính. Khi tạo dựng cơ nghiệp bền lâu muôn đời, mẹ Âu Cơ mới quay về trời.
Mẹ Âu Cơ được ban sắc phong Quốc Mẫu và phối thờ ở nhiều đền điện Tứ phủ, tiêu biểu là đền Mẫu Âu Cơ Đầm Đa.
Xưa nay tín ngưỡng thờ mẫu là một trong những nét độc đáo của tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ mẫu xuất phát từ hàng nghìn năm về trước, từ những thuở ban sơ khai thiên lập địa, người dân đã lập những đền, miếu để thờ mẫu – thể hiện tín ngưỡng hướng tới ghi nhớ công ơn của cội nguồn, đồng thời đề cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Trải qua suốt chiều dài lịch sử, đi qua rất nhiều những thăng trầm xô bồ của bão táp chiến tranh hay thiên tai, con người Việt Nam vẫn gìn giữ, hun đúc và tiếp tục truyền nối phong tục và tín ngưỡng thờ mẫu đến những thế hệ nay và mai sau.
Chính vì tư tưởng thấm nhuần đạo lý như vậy nên Đền Mẫu Đầm Đa trở thành một điểm đến tâm linh thu hút các vị du khách thập phương tới đây chiêm bái và sống trong bầu không khí đầy ắp của văn hóa tâm thức, hướng về chữ cội nguồn để tỏ bày lòng thành kính và biết ơn. Đồng thời mỗi khi đến dây chúng ta đều gửi gắm đến tổ tiên chúng ta lời cầu ước cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, để cuộc sống con người được bảo vệ, che chở bởi người Mẹ vĩ đại của dân tộc.
Kiến trúc đền Mẫu Đầm Đa
Theo những hình ảnh được lưu giữ qua các thế hệ, đền Mẫu Đầm Đa cổ là một ngôi nhà sàn với thiết kế chủ yếu bằng chất liệu tre, nứa, lá,… Trong đền đồ thơ tự duy nhất chỉ có một bát hương cổ được đặt chính giữa trên kệ thờ của đền. Sau nhiều năm tháng đi qua, ngôi đền chịu nhiều hư hỏng và bị xuống cấp.
Năm 1994, đền được tu sửa bằng gỗ mái lợp ngói Ri. Năm 1999, đền được xây mới lại trên nền đất cũ.
Hiện nay, đền Mẫu xây dựng theo lối kiến trúc gần như kiểu nhà sàn xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép. Phía dưới là 6 hàng chân cột, để đỡ toàn bộ ngôi đền ở phía trên, có hai cột ở giữa vươn cao lên tận mái.
Đền thiết kế hai lối lên xuống hai bên. Lối lên bên trái được xây bậc đá, còn lối bên phải được dựng cầu thang. Đền xây dựng với chiều dài 8m, rộng 5,50m; cao 5,60m. Phía trước là khoảng sân rộng được láng xi măng, xung quanh bao lan can. Trần đổ cuốn vòm, phía trên mái được ốp ngói giả kiểu ngói ống.
Trong đền có 3 ban thờ, các ban thờ được ốp bằng gạch men màu nâu, dài 1,60m, rộng 2,15m.
+ Chính giữa là tượng Mẫu tổ Âu Cơ, được tạc cao 115cm. Đầu đội vương miện, khuôn mặt tròn, đôn hậu, môi đỏ, mắt nhìn thẳng, tai to, cổ đeo các vòng tràng hạt màu đỏ, trắng, tím, hai tay được đặt chồng lên nhau theo thế tam muội ấn. Tượng mặc áo dài màu đỏ, được đặt trong khám. Khảm cao: 185cm, dài 125cm, được sơn son thếp vàng. Khảm được chạm lộng hoa văn với đề tài lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh, tứ quý.
+ Ban bên phải nhìn vào là ban thờ tượng các cô, các nàng.
+ Ban bên trái nhìn vào là ban thờ tượng vua cha Lạc Long Quân tượng được tạc ngồi cao ng cân, khuôn mặt cương nghị, môi đỏ, mắt nhìn thẳng, tai to, mặc áo triều phục màu vàng.
Các cấp dưới tượng bài trí các đồ thờ tự như mâm bồng, đèn nến… Đặc biệt ở giữa đặt bát hương đồng trang trí lưỡng long chầu nguyệt, cao 0,30m, đường kính miệng 0,31m.
Bạn có thể tham khảo thêm: Khám phá đền Cao An Phụ – thắng cảnh linh thiêng đất Kinh Môn – Hải Dương
Phương thức di chuyển thuận tiện nhất đến đền Mẫu Đầm Đa
Xét về vị trí địa lý, đền mẫu Đầm Đa nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 70km về hướng Tây Nam. Đây là một khoảng cách không quá xa, đường xá giao thông đi lại thông thoáng và thuận tiện, vì vậy du khách có thể chọn lựa nhiều hình thức để có thể di chuyển đến đền Mẫu Đầm Đa bằng nhiều phương tiện khác nhau. Dưới đây, Decor Hà Nội sẽ gợi ý đến bạn những tuyến đường thuận tiện nhất cho việc di chuyển để bạn đọc dễ hình dung và tham khảo:
Di chuyển bằng ô tô:
Từ Hà Nội, xe đi theo hướng Ba La – Hà Đông, sau đó đi theo đường quốc lộ 21B, đến địa phận tỉnh Hòa Bình rẽ vào đường Hồ Chí Minh, đến Cầu Sỏi – Phú Thành đi tiếp khoảng 1km rồi nhìn biển chỉ dẫn, rẽ trái theo biển báo vào đền Mẫu Đầm Đa, thời gian di chuyển khoảng 2 giờ đồng hồ.
Di chuyển bằng xe máy:
Đi bằng xe máy có ưu điểm tiết kiệm chi phí hơn ô tô, bạn có thể tự do ngắm nhìn khung cảnh hai bên đường theo cách rất riêng. Cung đường đi Đền Mẫu Âu Cơ Đầm Đa – Chùa Tiên bằng xe máy cũng giống ô tô nhé. Nhưng sẽ tốn thời gian hơn một chút. Hoặc bạn cũng có thể tham khảo tuyến đường đi như sau:
ĐCT Hà Nội – Ninh Bình/ ĐCT Pháp Vân – Cầu Giẽ/ CT01. Đến nút giao Đại Xuyên hướng về đường QL1A. Qua trạm thu phí Cầu Giẽ thì rẽ phải rồi nhập làn vào QL38B hướng về cầu Nhật Tựu. Tại vòng xuyên tiếp theo đi về hướng DT711, Đi qua Cầu Khả Phong nhập vào QL21A – Mẫu Đầm Đa
Di chuyển bằng Limousine:
Các xe Limousine đi qua khu vực Lạc Thủy cũng là lựa chọn tốt dành cho bạn, xe đi nhanh, an toàn với giá chỉ 160.000đ/vé. Một số hãng Limousine mà bạn có thể tham khảo: Limousine Hoa Dũng, Limousine Khai Phát, Limousine Thiên Quang.
Kinh nghiệm đi đền Mẫu Đầm Đa
Về kinh nghiệm đi đền Mẫu Đầm Đa, dựa trên ý kiến thu thập từ nhiều du khách thập phương đến với khu di tích văn hóa tâm linh này, mọi người đều đưa ra một lời khuyên đi đền vào mùa xuân, khoảng từ tháng 2 đến tháng 3, đây là thời điểm thời tiết mát mẻ, phù hợp cho những hoạt động du xuân, chiêm bái.
Đồng thời, mọi người có thể chọn tích hợp đi chiêm bái, hành hương đến đền Mẫu Đầm Đa cùng các khu di tích tâm linh khác gần cạnh như Tây Thiên để có thể vừa thưởng ngoạn được vẻ đẹp của những nét đẹp trong văn hóa tâm linh và kiến trúc tại những địa danh nổi tiếng và vừa tận dụng được thời gian, chi phí.
Giá vé tham quan vào cửa các đền chùa, hang động nơi đây là 10.000 đồng/người/lượt.
Vào dịp lễ hội đầu năm, các hàng quán thường tăng giá, Khi thưởng thức các món ăn đặc sản tại đây như cơm lam, gà đồi, lợn cắp nách, quý khách nên đặt theo suất đầu người khoảng 100K/1 người.
Cách sắm lễ đi đền Mẫu Đầm Đa cho linh thiêng nhất
Đền Mẫu Đầm Đa khai hội vào ngày mùng 4 tháng giêng âm lịch hàng năm. Vào ngày này, du khách và phật tử thập phương thường hành hương đến đền để dâng lễ và bày tỏ tấm lòng thành kính, tri ân của mình tới nguồn cội, vị Mẫu tổ của dân tộc – người đã có công khai thiên lập địa, đặt những nền móng đầu tiên xây dựng nên dân tộc Việt Nam. Khi sắm lễ, du khách có thể sắm một mâm lễ chay hoặc lễ mặn tùy tâm, thường bao gồm những vật phẩm tiêu biểu như: cơi trầu, quả cao, hương hoa, xôi chè, tiền vàng, sớ, oản,… Điều quan trọng khi đến dâng lễ thờ mẫu không nằm ở lễ vật cao sang hay bình thường, không nằm ở mâm cao cỗ đầy mà nằm ở trong chính tầm lòng thành tâm, hồi hướng về cội nguồn – đây là sợi dây kết nối tâm linh vững vàng và mạnh mẽ nhất.
Bạn có thể tham khảo thêm: Kinh nghiệm đi Đền Cô Bé Chí Mìu – Vẻ đẹp và những bí ẩn tâm linh
Văn khấn tại ban thờ Mẫu
Decor Hà Nội xin giới thiệu đến bạn bài văn khấn trước ban thờ Mẫu để bạn đọc tiện tham khảo và sử dụng khi đi lễ Mẫu:
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Con sám hối lạy chín phương trời mười phương chư phật.
Con kính lạy đức Phật Thích Ca, đức Phật Di Đà, đức Phật Quán Thế Âm
Con sám hối kính lạy đức Ngọc hoàng đại đế cùng nhị vị tinh quân Nam tào Bắc đẩu
Con sám hối kính lạy Tam Toà Thánh Mẫu, tam phủ công đồng tứ phủ vạn linh.
Hôm nay ngày…tháng…năm, nhân tiết gì đó ( ví dụ Tết nguyên đán, tết thượng nguyên, tiết vu lan, lễ tất niên, hay nhân ngày rằm ngày mùng một hàng tháng…), hương tử con tên là …sinh năm….đại diện cho gia đình gồm những ai…. Hiện gia đình chúng con cư ngụ tại địa chỉ số nhà….đường phố….quận huyện ….tỉnh thành…..
Xin nhất tâm mang miệng về tâu mang đầu về lễ tại đền điện gì ( tên đền phủ điện hoặc chỉ cần khấn tại đền điện này) thành kính tiến dâng lên Phật Thánh, vua cha mẫu mẹ (lễ gì thì nêu chẳng hạn: hoa tươi quả mới, sớ điệp kim ngân, trầu cau, trà thuốc…) cùng công đồng tam tứ phủ, tả hữu Trần triều Sơn trang, thượng ban trung ban hạ ban các quan bản đền bản điện chứng minh chứng giám.
Hương tử con tâm trung mộ đạo, một lòng thành kính, nhất tâm cửa Phật thật tâm cửa Thánh, cúi xin chư vị minh xét.
(Ai đã làm lễ tôn nhang hay đã trình đồng mở phủ có thể khấn thêm: đệ tử con căn cao số nặng, nghiệp cả sâu rầy, phúc duyên còn thiếu, người dương thế số hệ đế đình, nhất nguyện cắt tóc làm tôi nối đời làm con cửa Phật cửa Thánh…)
Hương tử con nguyện cầu Phật Thánh khuông phù: quốc thái dân an, đất nước cường thịnh, đạo pháp được trường tồn, chúng nhân được cát khánh.
Con cúi xin Phật Thánh xót thương đến hương tử con cùng đồng gia quyến, âm phù dương trợ cho được bản mệnh bình an, gia trung khang thái, bốn mùa hưng vượng, tám tiết hanh thông, hướng về chính đạo.
Con nguyện cầu Phật Thánh gia hộ độ trì, giáng phúc lưu ân cho công việc được thuận lợi, thương mại hanh thông, học hành được may mắn, công danh được thành đạt…(nếu có mong cầu gì khác thì thành kính khấn thêm: ví dụ thi cử, hôn sự, sinh nở….)
Nay hương tử con lễ bạc lòng thành, thắp nén hương thơm, giãi bày tâm nguyện trước chư Phật chư Thánh, khẩn cầu chư vị tác đại chứng minh.
Hương tử xin thành tâm bái tạ.
Trên đây Decor Hà Nội đã cùng bạn khám phá và tìm hiểu về vẻ đẹp tâm linh và kiến trúc của đền Mẫu Đầm Đa. Hy vọng bài viết đem đến bạn những thông tin hữu ích!
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi bài viết!